Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:16 - GMT+7

TP. HCM đầu tư công nghệ đốt phát điện để xử lý chất thải rắn

Ngày 26/11, UBND thành phố HCM đã tổ chức hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện.

30/11/2017 - 14:06

Để thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện, TP. Hồ Chí Minh cần có một số chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ giá mua/bán điện, nguồn vốn, thuế. Đây là vấn đề được đặt ra tại hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt rác phát điện do UBND thành phố tổ chức ngày 26/11.

Nhà máy đốt rác phát điện Gò Cát

Giải quyết vấn đề môi trường

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường TP. Hồ Chí Minh, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt hàng ngày phát sinh trên địa bàn khoảng 8.700 tấn, chất thải rắn công nghiệp khoảng 1.500 - 2.000 tấn/ngày, trong đó khối lượng chất thải nguy hại 350 - 400 tấn/ngày và chất thải rắn y tế 22 tấn/ngày. Phương pháp xử lý chất thải rắn hiện nay đa phần vẫn là chôn lấp đã không còn phù hợp do bộc lộ những hạn chế như lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí...

Dự báo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt tăng 5%/năm, đến năm 2020 hơn 10.000 tấn/ngày, đến năm 2025 gần 13.000 tấn/ngày; chất thải rắn công nghiệp tăng 6%/năm, đến năm 2020 gần 1.900 tấn/ngày và đến năm 2025 gần 2.500 tấn/ngày; chất thải nguy hại tăng 8%/năm, đến 2020 gần 550 tấn/ngày và đến năm 2025 hơn 800 tấn/ngày. Chất thải rắn y tế tăng 10%/năm, đến năm 2020 30 tấn/ngày và đến năm 2025 hơn 50 tấn/ngày. Do đó, TP. Hồ Chí Minh kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện là rất cần thiết.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện, thành phố đã tiếp nhận đề xuất đầu tư xử lý rác phát điện của 40 nhà đầu tư. Đây là số đề xuất nhiều nhất trong 10 năm qua, thể hiện tâm huyết đóng góp của nhà đầu tư trong công tác bảo vệ môi trường thành phố.

Nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư

Để thu hút, thành phố có nhiều chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư tham gia xử lý chất thải như: Miễn, giảm tiền thuê đất; hỗ trợ giá mua, bán điện các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp là 2.114 đồng/kWh, với các dự án phát điện đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải rắn là 1.532 đồng/kWh...

Bên cạnh đó chính sách về nguồn vốn với các dự án đầu tư thuộc chương trình kích cầu của thành phố, nhà đầu tư thực hiện dự án thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung bằng hình thức xã hội hóa sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi vay...

Sau hội nghị này, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ chuẩn bị đầy đủ các thủ tục kêu gọi dự án đầu tư, thông báo và công bố các quy trình, tiêu chuẩn xét chọn dự án, các chính sách ưu đãi, chương trình kích cầu, hỗ trợ các nhà đầu tư… Thành phố sẽ giao cho các sở, ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư đăng ký thực hiện các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư đã được đề xuất.

Mục tiêu làm thế nào để xử lý rác hiệu quả nhất, do đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này theo công nghệ hiện đại, trong đó có công nghệ đốt phát điện bằng các chính sách ưu đãi, lựa chọn nhà đầu tư qua đấu thầu công khai, minh bạch.

Thanh Dương

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 5
  • 0
  • 3
  • 8
  • 6