Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:51 - GMT+7

Làm sao để cải thiện ngành công nghiệp khai khoáng?

Việc thiếu những đổi mới mang tầm chiến lược đang trở thành thực trạng chung của ngành khai khoáng khối APEC, trong đó có Việt Nam.

17/11/2017 - 16:09

Khối APEC hiện chiếm khoảng 70% lượng khai thác và tiêu thụ khoáng sản toàn cầu, đại diện Nhóm đặc trách về khai khoáng (MTF) hào hứng tuyên bố trong một phiên Đối thoại công - tư về chính sách khai khoáng của APEC tại Hà Nội hồi tháng 5. Tuy nhiên, đằng sau tuyên bố khả quan ấy là những dấu hiệu cho thấy ‘bão lớn’ sắp đổ về nếu các thành viên APEC không có những thay đổi chính sách phù hợp.

Cạnh tranh giành thị phần

Nhiều năm liền, Việt Nam luôn phải học hỏi cung cách khai thác, chế biến khoáng sản từ các nước trên thế giới. Quan điểm này bây giờ đã thay đổi. Trong năm APEC 2017 này, mỏ Núi Pháo của Việt Nam là mỏ duy nhất mà các thành viên MTF đến khảo nghiệm, trong đó có những chuyên gia đến từ các mỏ của Trung Quốc.  

Sau giai đoạn chế biến, quặng nguyên khai có chất lượng và giá trị thấp sẽ trở thành các sản phẩm khoáng sản thương mại có chất lượng và giá trị cao hơn, có thể sử dụng trực tiếp hoặc làm nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp. Vì thế, việc xây dựng các ngành khai thác mỏ và luyện kim hiệu quả luôn được xem là yếu tố nền tảng thúc đẩy sinh kế và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Xuất hiện trên thị trường khoáng sản thế giới chưa đầy 10 năm, nhưng sự trỗi dậy của Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (Masan Resources) có thể được nhận thấy ở 3 phương diện.

Điểm thứ nhất là khả năng triển khai dự án trên cơ sở kiến thức và năng lực của người Việt. Masan Resources đã xây dựng được một môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển và vận hành mỏ Núi Pháo bằng cách chủ động làm việc với cộng đồng địa phương.

Điểm thứ hai là công ty biết tiếp cận vốn và dòng tiền để mua lại và phát triển các dự án giá trị, đảm bảo hiện thực hóa các giá trị lâu dài và bền vững của cổ đông.

Thứ ba là xây dựng cơ chế giảm thiểu rủi ro của dự án. Công ty đã phòng ngừa biến động giá cả thị trường thông qua việc đa dạng hóa danh mục các sản phẩm kim loại và khoáng sản, đồng thời dựa vào khả năng quản lý khai thác mạng lưới rộng lớn các nhà đầu tư và đối tác để có mức rủi ro về vận hành và tài chính thấp.

Masan Resources đã biến một khu đất trống thành một nhà máy chế biến khoáng sản tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam có quy mô lớn, có khả năng sản xuất 4 loại khoáng sản và kim loại khác nhau từ một thân quặng duy nhất.

“Chúng tôi quan niệm rằng, phải sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên đã được giao phó; cẩn trọng hoạch định các hoạt động để đem đến lợi ích hiện tại cũng như lợi ích lâu dài cho con người, môi trường và sự thịch vượng chung. Đây chính là cách chúng tôi đảm bảo phát triển bền vững”, ông Craig Bradshaw, Tổng Giám đốc Nui Phao Mining, cho biết.

Cục diện toàn cầu

Kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất định. Trung Quốc buộc phải hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2017 xuống mức 6,5% và điều chỉnh các chính sách kinh tế, thắt chặt xuất khẩu khoáng sản, chỉ xuất khẩu vonfram thành phẩm sau khi đã cung cấp đủ cho sản xuất trong nước.

Nắm giữ 70% sản lượng vonfram toàn cầu, Trung Quốc đã vận dụng tối đa chiến lược biến lợi thế này thành quyền lực để độc quyền kiểm soát thị trường thế giới. Nếu như trước năm 1990, Trung Quốc xuất khẩu vonfram thô với số lượng lớn thì đến năm 2003 lại siết chặt nguồn cung ra thế giới nhằm đẩy giá lên cao. Hiện giá vonfram dù vẫn thấp nhưng đã tăng xấp xỉ 3 lần kể từ năm 2004 đến nay.

Masan Resources có thể được hưởng lợi từ xu thế này để tăng thị phần của thị trường ngoài Trung Quốc lên 40% trong năm 2017, trở thành nhà cung cấp lớn khoáng sản công nghiệp trọng điểm, gồm vonfram, florit và bismuth.

Thế nhưng, ngay cả khi trữ lượng vonfram của mỏ Núi Pháo được chứng minh và xác nhận là khoảng 83 triệu tấn, với vòng đời mỏ ước tính là 20 năm, thì việc đầu tiên Masan Resources phải thấy được là Trung Quốc đã đi trước một bước khi áp dụng chính sách cấm xuất khẩu thô, tập trung sản xuất sản phẩm tiêu dùng cuối.

Song Trung Quốc cũng có điểm yếu. Đó là hầu hết các mỏ vonfram của nước này có tuổi đời cao, có mỏ đã tới 30 năm, chất lượng và sản lượng đều giảm sút, trong khi chi phí khai thác rất cao và giá nhân công đang tăng lên.

Việc tăng sản lượng từ các mỏ của Trung Quốc không dễ, bởi cũng giống như ngành khai khoáng của các nước trong APEC, nước này đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn trong quá trình hoạt động, đó là tìm kiếm các nguồn khoáng sản chất lượng cao, xin cấp phép hoạt động, khai thác và chế biến gặp khó khăn về nguồn vốn.

Việc thực thi chính sách khai khoáng mới không mang lại hiệu quả như Trung Quốc mong đợi. Sản lượng sản phẩm trung cấp vonfram được xuất khẩu năm ngoái của Trung Quốc đã sụt giảm tới 9%, tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các mỏ vonfram nội địa nước này.

Trong khi đó, ở cùng một dòng sản phẩm trung hoặc cao cấp, chất lượng vonfram của Việt Nam được các khách hàng đánh giá cao hơn Trung Quốc. Một số khách hàng của Trung Quốc đã chuyển 30-40% đơn hàng mua vonfram sang Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng những yếu tố này để cạnh tranh giành thị phần, hay kỳ  vọng dẫn dắt sự thay đổi ở thị trường vonfram toàn cầu, là chưa đủ, bởi so với các đối thủ từ Trung Quốc, Núi Pháo là một mỏ mới.

Mặt khác, Trung Quốc có thể buông bỏ một vài thị trường nhỏ lẻ, nhưng chắn chắn sẽ giữ thị trường Mỹ, nơi tập trung rất nhiều tập đoàn công nghệ thế giới. Mỗi năm Mỹ nhập đến 40% sản lượng vonfram của Trung Quốc.

“Chúng tôi không cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, thay vào đó là tạo ra một thị trường tiềm năng để trở thành nhà cung cấp bền vững, bảo đảm nguồn cung lâu dài cho các đối tác của mình”, ông Chetan Prakash Baxi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Resources, cho biết.

Chưa hết, chính sách kinh tế của Mỹ có tác động nhất định đến Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, ông Chetan Prakash Baxi nói rằng những điều chỉnh đang ảnh hưởng nhiều hơn đến các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng xuất khẩu vào Mỹ và ít ảnh hưởng hơn đến các nhà cung cấp nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất của Mỹ.

Hiện tại Núi Pháo đã có một số khách hàng tại thị trường Mỹ, chẳng hạn như ATI Tungsten Materials (sau này được Kennametal mua lại) và các dòng sản phẩm được khách hàng Mỹ đánh giá cao. Nhưng để chia sẻ rủi ro, Núi Pháo một mặt đẩy mạnh xuất khẩu vonfram thành phẩm sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Ấn Độ, mặt khác tiếp tục mở rộng sang các thị trường khác.

Ông Chetan Prakash Baxi tin rằng, sản lượng đạt mức kỷ lục đối với tất cả các mặt hàng vào năm 2016 là nền tảng để Masan Resources thực hiện mục tiêu này. Trên cơ sở quy đổi tương đương vonfram, sản lượng vonfram đã tăng hơn 26% so với năm trước. Sản lượng vonfram và bismut đã tăng lần lượt là 24% và 51% so với năm 2015.

Hơn nữa, việc gia tăng lượng quặng được chế biến, tăng tỷ lệ thu hồi và các thông số quan trọng khác của nhà máy là thành quả trực tiếp đạt được từ các dự án đầu tư có định hướng đã được thực hiện trong cả năm 2016.

Thách thức vẫn rất lớn

Tăng trưởng công nghiệp những tháng đầu năm 2017 thấp do suy giảm mạnh từ ngành công nghiệp khai khoáng. Tổng cục Thống kê ước tính riêng tháng 5.2017, tăng trưởng ngành khai khoáng giảm 7,8% nhưng nếu tính chung 5 tháng đầu năm, mức giảm lên tới 9,1%.

Trong bối cảnh đó, ngay cả khi các yếu tố mang tính nền tảng của Núi Pháo đã được định hình, thì thách thức không chỉ là vấn đề đầu ra. Trước đó, công ty này đã phải trả một giá không nhỏ để được xếp vào nhóm thành phẩm đã qua chế biến sâu và được phép xuất khẩu. Đó là đầu tư lớn cho trang thiết bị và nhân lực trong khi vẫn phải chịu chi phí hoạt động, hoàn nguyên môi trường, gốc và lãi vay ngân hàng… trong bối cảnh giá vonfram thế giới xuống sâu.

Theo đánh giá của Công ty Tư vấn thị trường Roskill của Anh, việc một số mỏ mới trong đó có Núi Pháo được đưa vào khai khác, áp lực giảm giá trên thị trường sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2018, sau đó mới có thể trở lại trạng thái cân bằng.

Kế hoạch kinh doanh năm 2017 của Masan Resources có thể không như kỳ vọng còn bởi gánh nặng thuế, phí hiện hành. Một chính sách khai khoáng mà PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội Khoa học Công nghệ mỏ Việt Nam, cho là “tận thu cho ngân sách hơn là tận thu tối đa tài nguyên”.

Khác với Trung Quốc, một quốc gia khai thác khoáng sản hàng đầu thế giới có mức thuế suất chỉ từ 5-10%, hay Australia quy định thuế tài nguyên đối với quặng 7,5%, tinh quặng 5%, kim loại 2,5%, Việt Nam đang có khung thuế tài nguyên thuộc loại cao trên thế giới, nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác, ông Nam dẫn chứng.

Trong khi đó, theo ông Vũ Hồng, Phó tổng giám đốc Masan Resources, thuế tài nguyên tăng nhiều lần chỉ trong vài năm và mức tăng quá cao. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có phần trùng lặp với thuế tài nguyên.

Việc xây dựng giá tính thuế tài nguyên và giá để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản như hiện nay là chưa phù hợp, hướng dẫn thực hiện chưa rõ ràng. Thông tư số 152/2015/TT-BTC cho phép sản phẩm công nghiệp được trừ chi phí nhưng không cụ thể là chi phí nào sẽ được trừ chi phí. Bất cập này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí khiến doanh nghiệp bị động trong việc thực thi nghĩa vụ thuế.

Thêm nữa, việc giá tính thuế tài nguyên áp dụng cho các sản phẩm công nghiệp được tính từ giá bán sản phẩm trừ chi phí nhưng sản lượng lại đề nghị lấy ở giai đoạn trước khi chế biến đã không khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu và rất khó áp dụng cho một dự án mỏ đa kim như dự án Núi Pháo, ông Hồng, người từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới, nhận xét.

Chưa hết, trong Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên áp dụng cho năm 2017, được ban hành tại Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13, ngày 10.12.2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, mức thuế suất thuế tài nguyên đối với các loại khoáng sản (chỉ trừ khoáng sản bô xít, nikel) đều tăng từ 2% trở lên. Song tại Biểu mức thuế suất này, lại không có khung giá cho sản phẩm công nghiệp, việc quy đổi sản lượng ở các công đoạn khai thác và chế biến cũng không rõ ràng, nhiều mức thuế tính quá cao, như vonfram tăng từ 18 lên 20%, đồng từ 13 lên 15%...

Một số thông số trong công thức tính phí bảo vệ môi trường chưa rõ ràng về quy đổi giá tính thuế, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, sản lượng… cũng đang là những vấn đề gây khó khăn cho doanh nghiệp khai khoáng, đặc biệt là đối với mỏ đa kim như Núi Pháo, theo ông Vũ Hồng.

Các báo cáo phát đi tại phiên Đối thoại công - tư về chính sách khai khoáng của APEC khẳng định, đổi mới chính sách sẽ giúp các công ty khai khoáng giảm chi phí và tăng năng suất, cũng như giúp cải thiện độ an toàn và giảm diện tích khai thác.

Đổi mới chính sách cũng là việc Việt Nam đang làm nhưng triển vọng tương lai ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam chưa mấy sáng. Do đó, kỳ vọng một kết quả kinh doanh tốt hơn cho năm 2017 mà Masan Resources đề cập tại phiên Đối thoại của APEC vẫn phải chờ các nhà làm chính sách.  

Theo Nhịp cầu đầu tư

Cùng chuyên mục

5 Giải pháp thúc đẩy hiệu quả chuyển đổi số tại Gia Lai

28/03/2024 - 08:32

Năm 2024, tỉnh Gia Lai quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và huy động sự tham gia tích cực của người dân trong việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 1
  • 4
  • 7
  • 0
  • 5