Thứ sáu, 26/04/2024 | 06:12 - GMT+7

Ngành dầu khí trước thách thức đổi mới công nghệ

Lịch sử của dầu thô và khí đốt tự nhiên là một quá trình đổi mới công nghệ. Sự đổi mới công nghệ đã hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp dầu, khí đốt rất nhiều. Nhưng cũng chính đổi mới công nghệ đang tạo ra những thách thức với ngành công nghiệp dầu khí, gây ra những thay đổi mang tính cấu trúc trong thị trường dầu thô và khí đốt tự nhiên.

13/11/2017 - 08:52

Lịch sử của dầu thô và khí đốt tự nhiên là một quá trình đổi mới công nghệ. Sự đổi mới công nghệ đã hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp dầu, khí đốt rất nhiều. Nhưng cũng chính đổi mới công nghệ đang tạo ra những thách thức với ngành công nghiệp dầu khí, gây ra những thay đổi mang tính cấu trúc trong thị trường dầu thô và khí đốt tự nhiên.

Cách mạng năng lượng thứ 3 hay xu hướng chuyển đổi sang năng lượng phi carbon

Ban đầu, dầu thô chỉ được sử dụng để thắp sáng. Điều này đã thay đổi sau khi con người phát minh ra động cơ đốt trong, vượt trội hơn động cơ hơi nước cả về sức mạnh, tầm hoạt động và bảo trì. Sau đó, với việc phát minh ra băng chuyền, người ta có thể sản xuất hàng loạt động cơ đốt trong với mức giá phải chăng, phù hợp với phần đông công chúng. Không lâu sau, dầu thô trở thành lựa chọn nhiên liệu cho vận tải.

Đã từng có một thời gian dài, khí đốt tự nhiên là một sản phẩm phụ không mong muốn trong quá trình khai thác dầu thô và thường bị đốt bỏ một cách phí phạm tại nơi sản xuất. Nhưng chính đổi mới công nghệ và đặc biệt là những cải tiến về công nghệ đường ống dẫn đã giúp con người có thể tận dụng được các lợi ích của nguồn khí này. Từ đây, khí đốt tự nhiên đã được sử dụng để làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp hóa chất, cũng như làm nhiên liệu để sưởi ấm nhà cửa, nấu ăn và phát điện. Tiếp đến, các cải tiến công nghệ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã làm cho thị trường khí đốt tự nhiên có sự mở rộng đột phá, khí đốt tự nhiên trở thành một thứ hàng hóa toàn cầu.

Năng lượng phi carbon như năng lượng gió và mặt trời đang thách thức ngành dầu khí

Nhưng bây giờ, khi chúng ta đang ở năm 2017, dầu thô và khí đốt tự nhiên - những đối tượng hưởng lợi lớn từ sự đổi mới công nghệ trước đây, lại đang bị thách thức vì sự đổi mới công nghệ liên tục. Sự đổi mới trong công nghệ pin đã làm cho hệ thống truyền động điện trở thành một đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng của động cơ đốt trong, khiến dầu thô bị thách thức bởi điện, trong khi khí đốt bị thách thức bởi năng lượng phi carbon, như năng lượng gió và mặt trời.

Thị trường dầu khí sẽ “phẳng” và bị thu hẹp

Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng phi carbon nói trên đã dẫn đến một số dự đoán về sự sụp đổ của ngành công nghiệp dầu khí trong tương lai không xa. Nhưng liệu đây có phải là kết luận chính xác không?

Chúng ta phải nhớ rằng, dầu thô, cũng như khí đốt tự nhiên, không chỉ được sử dụng cho vận tải và phát điện. Một số lĩnh vực có nhu cầu sử dụng dầu thô cao, như vận tải nặng và hàng không sẽ không bị ảnh hưởng bởi xu hướng điện khí hóa. Tương tự như vậy, khí đốt tự nhiên cũng sẽ vẫn là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến hóa chất và năng lượng cho các ngành công nghiệp nặng như thép, nhôm, xi măng và giấy.

Ngay cả khi những dự đoán về sự đổi mới công nghệ trở thành hiện thực, thì cũng không thể một sớm một chiều mà năng lượng gió và mặt trời có thể đạt hiệu suất trong phát điện bằng khí đốt tự nhiên, còn điện đạt hiệu suất bằng xăng dầu trong vận tải.

Bên cạnh đó, rất có thể sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, để nhiều khu vực trên thế giới có thể xây dựng được cơ sở hạ tầng nạp điện cần thiết để đáp ứng, hỗ trợ xu hướng điện khí hóa trong vận tải.

Sự chuyển đổi sản xuất điện từ than và khí đốt sang năng lượng gió và mặt trời cũng gặp những rào cản tương tự như thế ở nhiều nơi trên thế giới. Có những quốc gia giàu có sẵn sàng cho các nhà máy điện than và điện khí “về hưu” sớm. Nhưng đối với các quốc gia có tiềm lực tài chính hạn chế và vẫn chủ yếu sử dụng than đá hoặc khí đốt để phát điện, họ sẽ phải đối mặt với các ưu tiên cạnh tranh: Tăng trưởng hay Bền vững. Thông thường, những quốc gia như vậy sẽ có xu hướng tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có càng lâu càng tốt và vẫn phát điện bằng khí đốt trong một thời gian dài.

Vì vậy, ngay cả trong những dự báo lạc quan nhất về sự đổi mới công nghệ, nhu cầu sử dụng dầu thô và khí đốt tự nhiên trong tương lai vẫn được đánh giá cao, tuy rằng có thể sớm đạt đến đỉnh.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ngành công nghiệp dầu khí sẽ vẫn phát triển như trước và không có gì phải lo lắng. Các xu hướng công nghệ được đề cập ở trên chắc chắn sẽ tạo ra một động lực thị trường hoàn toàn khác biệt, khiến thị trường dầu mỏ và khí đốt “phẳng” và bị thu hẹp hơn.

Trong điều kiện thị trường như vậy, lượng cung vượt quá mức sẽ là mối đe dọa liên tục, gây áp lực lên giá và khiến giá dầu rơi vào tình trạng “vĩnh viễn thấp hơn”. Đó cũng là những gì mà ngành công nghiệp dầu khí đã trải qua trong hơn 2 năm qua.

Trong môi trường này, lợi thế cạnh tranh là chi phí và năng lực. Trước đây, các công ty dầu khí quốc gia (NOC) có lợi thế hơn so với các công ty dầu khí quốc tế (IOC) về chi phí, do được giao quyền quản lý các tài sản dầu khí của nước họ, nhưng ít nhiều lại thua kém so với các IOC về công nghệ, năng lực. Tuy nhiên, môi trường giá dầu thấp như hiện nay sẽ thúc đẩy nhiều NOC nâng cấp khả năng của mình để đảm bảo lợi nhuận. Xu hướng này sẽ khiến các IOC có năng lực kém bị “bật” khỏi thị trường, buộc phải phá sản hoặc đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, thâm nhập vào một thị trường mới có tiềm năng tăng trưởng hơn.

Tóm lại, dù là NOC hay IOC cũng cần phải chuẩn bị tốt cho xu hướng chuyển đổi sang năng lượng phi carbon, cũng như những thách thức không ngừng từ đổi mới công nghệ.

Đổi mới công nghệ không chỉ góp phần tạo nên cuộc cách mạng năng lượng đầu tiên - chuyển từ gỗ sang than đá - trong thế kỷ XVIII và XIX, mà còn là động lực quan trọng của cuộc cách mạng năng lượng thứ 2 - chuyển từ than đá sang dầu thô và khí tự nhiên - trong nửa đầu thế kỷ XX. Bây giờ, đổi mới công nghệ lại đang thúc đẩy xu hướng chuyển đổi sang các loại năng lượng phi carbon, hay còn gọi là cách mạng năng lượng thứ 3.

Theo http://petrotimes.vn

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 5
  • 0
  • 6
  • 3
  • 4