Thứ năm, 28/03/2024 | 17:02 - GMT+7

Thái Nguyên: Ưu tiên, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ

Thái Nguyên là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp và là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài dẫn đầu của cả nước. Trong những năm qua, Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm ưu tiên và khuyến khích phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, phát huy thế mạnh của một tỉnh công nghiệp.

14/11/2016 - 09:29

Tập đoàn Samsung - cơ hội cho các doanh nghiệp CNHT trên địa bàn THái Nguyên phát triển

Nằm ở vị trí trung tâm, Thái Nguyên có nhiều tài nguyên khoáng sản hữu ích với trữ lượng khá lớn và là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng trung du miền núi. Giai đoạn 2011 – 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Thái Nguyên đạt 13,14%, trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đạt 59%, riêng năm 2014, đạt khoảng hơn 66,6 tỷ đồng, chiếm hơn 37% cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Hiện tại, các DN sản xuất sản phẩm CNHT có thể đáp ứng nhu cầu phục vụ cho nhiều ngành khác nhau và trực tiếp phục vụ cho DN sản xuất sản phẩm theo phương thức tích hợp từ khâu đầu đến khâu cuối như một số DN: Công ty CP Phụ tùng máy số I, Diezel Sông Công, Công ty CP Máy và Thiết bị sản xuất Narime sản xuất các sản phẩm cơ khí và tích hợp thiết bị máy công nghiệp… Các sản phẩm của ngành CNHT Thái Nguyên bao gồm động cơ diesel, hộp số, phụ tùng xe máy, các loại sản phẩm phục vụ ngành xây dựng … 

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 209 doanh nghiệp CNHT, trong đó, số doanh nghiệp FDI sản xuất linh kiện điện tử chiếm nhiều nhất với trên 30 doanh nghiệp; tiếp đến là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm bi nghiền, ống thép, gang các loại, đúc các chi tiết máy ô tô, hộp số như: Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty Điện cơ hóa chất 15… Doanh nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo hỗ trợ ngành lắp ráp ô tô, xe máy chủ yếu là các doanh nghiệp do Trung ương quản lý, hoặc thuộc các tổng công ty. Đối với ngành công nghiệp dệt may, da giầy có 7 doanh nghiệp, tại những doanh nghiệp này đều có các bộ phận kỹ thuật phục vụ chính doanh nghiệp. Ngành CNHT công nghệ cao mới chỉ có 02 doanh nghiệp đang hoạt động. Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng trên 1.000 hộ cá thể tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT, tuy nhiên quy mô của các hộ đều rất nhỏ, mỗi hộ bình quân 02 lao động, chủ yếu sản xuất gia công kết cấu thép phục vụ ngành xây dựng, các loại máy móc, thiết bị, công cụ, dụng cụ nhỏ, bán thủ công phục vụ nhu cầu của địa phương. 

Một trong những yếu tố góp phần giúp ngành CNHT tại Thái Nguyên phát triển, đó là nguồn lao động dồi dào, lực lượng này hiện đang chiếm 32,5% số lao động công nghiệp toàn tỉnh, đây là những đối tượng được đánh giá là có trình độ chuyên môn qua đào tạo cao hơn so với các ngành công nghiệp khác, bởi do đặc thù của ngành CNHT đòi hỏi lao động phải có trình độ hiện đại hóa, chuyên môn hóa và hợp tác hóa cao. Số lao động đã qua đào tạo có bằng cấp của ngành này chiếm trên 90% và đã phần nào đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và những thành quả đã đạt được trong việc phát triển CNHT, thì vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế như các cơ sở sản xuất CNHT đa phần là quy mô nhỏ, số cơ sở có quy mô khá ít; CNHT và nội địa hóa chưa đạt nhiều hiệu quả do sức cạnh tranh của sản phẩm và DN công nghiệp chưa cao; chưa hình thành rõ nét một số lĩnh vực CNHT mà chủ yếu vẫn là các DN cơ khí sản xuất sản phẩm xuất khẩu phục vụ công nghiệp sản xuất, cũng như việc Thái Nguyên chưa thực sự thu hút được các ngành điện – điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành dệt may các loại.

 Để khắc phục những khó khăn đó, Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp cụ thể để ngành CNHT phát triển mạnh mẽ và hiệu quả, trong đó sẽ phát triển công nghiệp gia công và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn gắn với phát triển các ngành công nghiệp lắp ráp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất kim loại. Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia chương trình phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực CNHT sản xuất sản phẩm cơ khí, linh kiện điện tử để phục vụ các ngành công nghiệp khác như chế tạo máy móc phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, công nghiệp hóa chất, dệt may… nhằm đa dạng hóa sản phẩm CNHT, đáp ứng các yêu cầu và thúc đẩy ngành cơ khí phát triển mạnh. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ các cơ chế chính sách phát triển KH – CN; thu hút sự hỗ trợ của Chính phủ các nước phát triển như Nhật, Hàn, EU… để đào tạo nguồn nhân lực cho CNHT. Đặc biệt khuyến khích các DN FDI tham gia vào công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT. 

Ngoài ra, Thái Nguyên cũng đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng đất đai, song song với đó thì các giải pháp về môi trường cũng sẽ được chú trọng nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe người lao động để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phấn đấu tới năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp ngành CNHT Thái Nguyên sẽ đạt khoảng 193.140 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23,7% trở lên, chiếm tỷ trọng 26,1% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh./.

Theo congnghieptieudung.vn 

 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 0
  • 0
  • 0
  • 5
  • 0
  • 1