Thứ bảy, 20/04/2024 | 13:00 - GMT+7

Khu Công nghệ cao tập trung cho vi cơ điện tử

Trong dịp kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa qua, Công ty MEMSITECH cùng với Trung tâm R&D của SHTP, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán đã ký thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực vi cơ điện tử (MEMS).

14/11/2016 - 08:34

Trong dịp kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) vừa qua, Công ty MEMSITECH cùng với Trung tâm R&D của SHTP, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán đã ký thỏa thuận về hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực vi cơ điện tử (MEMS). Đơn đặt hàng đầu tiên là xây dựng hệ thống đo lường mực nước nhằm tính toán ước lượng khả năng ngập tại các điểm đo. Nhưng với MEMS, giá trị không chỉ có vậy…

Đào tạo cho MEMS

Đến nay, sau 14 năm hoạt động, các doanh nghiệp trong SHTP cho thấy kinh phí dành cho nghiên cứu và phát triển và đào tạo nguồn nhân lực ngày càng tăng. Cụ thể, từ 2013-2015, Công ty Intel đã có sản phẩm mới chip Haswell, chip SoFia, tiến hành chương trình đào tạo cho nhiều giảng viên đại học thuộc chương trình HEEAP. Tiếp nối chương trình HEEAP 1.0, chương trình HEEAP 2.0 được mở rộng với tổng kinh phí gần 40 triệu USD, trong đó Intel Việt Nam tiếp tục đóng góp thêm 7 triệu USD và SHTP đã chính thức tham gia với mục tiêu đào tạo khoảng 1.000 giảng viên tại 8 trường đại học, cao đẳng kỹ thuật trong cả nước.

Theo ông Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao, một số doanh nghiệp có kế hoạch R&D, chương trình đào tạo nâng cao về kỹ năng quản lý, vận hành, thiết kế với chi phí khá lớn, như: GES, FPT, Sonion, Jabil, Datalogic, Qsic, Nidec Sankyo, Nanogen… Riêng dự án chế tạo linh kiện bán dẫn của Công ty Quang lượng tử Việt Mỹ hợp tác với Trung tâm R&D của SHTP đã chi hơn 120 tỷ đồng mua thiết bị, thực hiện đào tạo nâng cao về vận hành trang thiết bị vi mạch cho 25 chuyên viên.

Với mục tiêu của đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư có trình độ cao, cập nhật các kiến thức mới về khoa học - công nghệ trên thế giới trong lĩnh vực MEMS, qua đó tạo nguồn kỹ sư thực hành giỏi và triển khai thực tế việc thương mại hóa sản phẩm chất lượng cao, Trung tâm R&D của SHTP đã tuyển sinh và thành lập Hội đồng tuyển sinh đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và kỹ sư có trình độ cao. Chương trình đào tạo gồm 3 khóa, mỗi khóa 4 tháng, khóa đầu tiên được bắt đầu từ tháng 7/2016 với giảng viên là các chuyên gia Nhật Bản: GS-TS Susumu Sugiyama và Th.S Kasuhiko Nakamura.

Để nghiên cứu và phát triển MEMS nói riêng cũng như phát triển ngành vi mạch, Ban Quản lý đã cử nhân sự sang học tập và nhận chuyển giao công nghệ Minimal Fab tại Nhật Bản từ tháng 7/2016 với thời gian đào tạo là 1 năm. Theo ông Lê Hoài Quốc, mục tiêu lớn của chương trình này nhằm tiến đến thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển về vi mạch và MEMS, trong đó SHTP đóng vai trò chính trong việc chuẩn bị nguồn nhân lực tiếp nhận chuyển giao công nghệ và vận hành Minimal Fab.

Kỳ vọng vào MEMS

Việc áp dụng các cảm biến MEMS cho thị trường IoT (như các thiết bị đeo, nhà thông minh…) sẽ đòi hỏi bộ cảm biến ngày càng thu nhỏ hơn nữa và làm việc với điện năng tiêu thụ hiệu quả hơn. Không chỉ thế, các nhà khoa học trên thế giới chỉ ra: “MEMS tồn tại gần như ở khắp mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày, trong ngôi nhà của chúng ta, chiếc xe của ta, nơi làm việc…”.ÂÂ  Điều đó cho thấy, thị trường MEMS là một thị trường mới mẻ, còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, với những ứng dụng ngày càng phong phú hơn để phục vụ nhu cầu cuộc sống ngày càng cao của con người. Và trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam, công nghệ MEMS như là miếng ghép còn thiếu cho bức tranh tổng thể về phát triển công nghệ IoT nói riêng và các lĩnh vực công nghệ cao khác nói chung.

Vì thế, để chủ động thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ về MEMS và vi mạch, trong thời gian qua, SHTP đã chủ động kêu gọi thành lập Công ty Memsitech, là một công ty tư nhân với nguồn vốn huy động 100 tỷ đồng và tiếp nhận đóng góp vốn từ bí quyết công nghệ chế tạo một số loại cảm biến đã được Trung tâm R&D phát triển từ trước. Được biết, Memsitech đang xúc tiến thủ tục tại TPHCM để thành lập Viện Nghiên cứu phát triển vi mạch và MEMS, do GS Đặng Lương Mô làm Chủ tịch danh dự, tập hợp nhiều nhà khoa học trẻ được đào tạo về MEMS và Robotics. Hoạt động của viện sẽ tập trung hợp tác với Trung tâm R&D của SHTP để nghiên cứu phát triển các loại cảm biến, hướng tới phục vụ công nghiệp cũng như cho lĩnh vực IoT va Smart City đang có nhu cầu ngày càng gia tăng.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Nhật Bản sẽ là thị trường, là đối tác quan trọng trong việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại cảm biến MEMS, đặc biệt trong các lĩnh vực thế mạnh của Nhật Bản như công nghệ sản xuất ô tô, chăm sóc sức khỏe y tế, robotics và các thiết bị thông minh được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Không chỉ dừng lại ở việc chế tạo MEMS, Công ty Memsitech còn hướng đến nghiên cứu, phát triển các ứng dụng cụ thể trên nền tảng những sản phẩm MEMS nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của con người, cả trong và ngoài nước.

Ưu điểm Minimal Fab là chi phí đầu tư rất thấp, không cần đầu tư “phòng sạch”, phù hợp với quy mô nhỏ; nghiên cứu sản phẩm mới, dùng cho nghiên cứu và đào tạo cũng như các đơn đặt hàng vừa và nhỏ. Những đặc điểm này phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, như ông Yasuyuki Harada - Tổng Giám đốc đại diện Tổ hợp Nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu Nhật Bản, nhấn mạnh: “Xưởng cực tiểu rất phù hợp với trình độ phát triển vi mạch của Việt Nam hiện nay, có thể giúp doanh nghiệp nhỏ trực tiếp tham gia vào sản xuất công nghiệp công nghệ cao”.

Theo SGGPO

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 9
  • 2
  • 7
  • 5
  • 1