Thứ tư, 24/04/2024 | 16:19 - GMT+7

Công nghiệp hỗ trợ ngành nhựa – cao su: Thực trạng và giải pháp

Xu hướng phát triển ngành nhựa – cao su có nhiều thay đổi và tính cạnh tranh ngày càng cao trong việc sản xuất các sản phẩm nói chung và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

12/11/2016 - 09:39

Với xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu đối với ngành nhựa và cao su phải đáp ứng chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện. Xu hướng phát triển ngành nhựa – cao su có nhiều thay đổi và tính cạnh tranh ngày càng cao trong việc sản xuất các sản phẩm nói chung và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Trong đó, việc nâng cao khả năng đáp ứng và cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghệ cao là mục tiêu cần hướng đến bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm nhựa cao su truyền thống.

Thực trạng CNHT ngành nhựa – cao su

Hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực cao su - nhựa, trong đó, TP. Hồ Chí Minh chiếm 70% DN và chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Chỉ riêng 120 công ty hội viên của Hội Cao su - Nhựa TP. Hồ Chí Minh đang sản xuất 30% lốp xe hơi, 50% lốp xe 2 bánh, 50% băng tải, 70% cao su kỹ thuật. Nhìn chung, đến nay, các DN đã sản xuất được tất cả các chủng loại sản phẩm tiêu dùng và kỹ thuật đáp ứng nhu cầu nội địa. Tổng doanh số năm 2013 của toàn ngành cao su - nhựa là khoảng 8,4 tỷ USD và hiện đạt khoảng 10 tỷ USD.

Nhìn chung năng lực cung ứng của các DN CNHT ngành nhựa – cao su còn thấp. Năng lực cung ứng của DN sản xuất linh kiện nhựa – cao su hiện đáp ứng được 85-90% nhu cầu của ngành sản xuất, lắp ráp xe máy; 20% nhu cầu của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô; 40% nhu cầu của ngành điện tử gia dụng; 15% nhu cầu của ngành điện tử tin học, viễn thông và 5% nhu cầu của ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm phụ trợ ngành nhựa là 59%, Malaysia là 49%.

Về nhập khẩu, hàng năm, ngành nhựa phải nhập khẩu hơn 80% chủng loại nguyên liệu nhựa, nhiều nhất là PE và PP. Tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, xe hơi (10%), đồ điện và điện tử (40%), xe máy (70%).

Với các sản phẩm CNHT cao su, các doanh nghiệp cao su trong nước chủ yếu cung cấp một số sản phẩm cơ bản như: Cao su gác chân, giảm chấn, cao su đệm…, còn phần lớn các sản phẩm cao su cao cấp như dây đai truyền lực, phớt, ống cao su thủy lực… đều nhập khẩu hoặc do các doanh nghiệp FDI cung cấp.

Theo Hội Nhựa, Cao su TP.HCM, năm 2014, Hội đã thực hiện cuộc khảo sát về năng lực sản xuất các DN hội viên tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT cho hai ngành ô tô, xe máy và điện tử. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 95% DN không đáp ứng về giá, 90% không đáp ứng được về công nghệ, 90% không đáp ứng về quản trị.

Những hạn chế của CNHT ngành nhựa – cao su

Hạn chế lớn nhất của thực trạng ngành là số lượng nhu cầu nội địa ít nên chi phí sản xuất sản phẩm cao, dẫn đến giá cả kém cạnh tranh. Ngoài ra, các mẫu mã, tiêu chuẩn sản phẩm không đồng nhất; những ngành công nghiệp cơ bản về nguyên liệu, hóa chất, cơ khí còn thiếu và yếu.

Bên cạnh đó, các DN nhựa - cao su trong nước phần lớn chưa đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại đủ sức làm các đơn hàng số lượng lớn và chất lượng cao nên chất lượng sản phẩm còn bị hạn chế và giá thành sản phẩm thường khá cao. Theo Hội Nhựa, Cao su TP.HCM, có thời điểm một công ty nước ngoài tìm đến Hội nhờ giới thiệu DN trong nước cung ứng sản phẩm ron cao su với số lượng khoảng 10 triệu cái mỗi năm. Tuy nhiên, giá được các DN nhựa, cao su chào lại quá cao, gấp 10 lần và thậm chí có DN chào cao gấp 100 lần so với mức giá mà phía đối tác dự kiến sẽ mua.

Trước thực trạng đó, khi các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, ít lựa chọn nhà cung cấp trong nước, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư Việt Nam.

Điển hình như Honda khi sang Việt Nam, kéo theo các nhà cung ứng lốp xe là Công ty Inoue, nhà cung ứng bình ắc quy là Công ty GS, nhà cung ứng thiết bị, phụ tùng cao su kỹ thuật là Công ty Nok. Tỷ lệ cung ứng của DN Việt Nam cho Honda chưa đầy 1% với các linh kiện, phụ tùng đơn giản như cao su gác chân, cao su giảm chấn, cao su đệm... còn phần lớn các linh kiện cao su cao cấp như dây đai truyền lực, phốt, ống cao su thủy lực... đều nhập khẩu hoặc do các DN FDI cung ứng. SYM cũng vậy, khi đến Việt Nam, họ kéo Kenda (nhà cung ứng lốp xe), Tuico (nhà cung ứng cao su kỹ thuật) từ Đài Loan sang.

Theo thống kê, doanh số thị trường toàn cầu đối với sản phẩm cao su kỹ thuật hàng năm lên đến hơn 100 tỷ USD. Riêng thị trường Mỹ, mỗi năm chi 8,8 tỷ USD để mua miếng đệm cao su Gasket và Seal cao su. Trước nhu cầu lớn này, nhiều tập đoàn cao su lớn trên thế giới đã chi rất mạnh tay vào lĩnh vực này.

Điển hình là Công ty Continental, đơn vị chuyên sản xuất săm lốp, nhưng lại có các mảng về CNHT làm ống, phụ tùng cung cấp cho các tập đoàn ô tô trên thế giới. Doanh thu của lĩnh vực này mỗi năm mang về cho Continental khoảng 3.887 triệu euro. Hay Tập đoàn Hutchison (Pháp), chuyên sản suất, cung ứng linh kiện cho các hãng điện tử, cũng có doanh thu khoảng 2.281 triệu euro/năm.

Trong khi đó, so với các nước trên thế giới, năng lực cung ứng của doanh nghiệp hỗ trợ ngành nhựa – cao su của Việt Nam còn rất hạn chế. Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất (Ruthimex) thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV, đơn vị được xem là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành cao su Việt Nam, cũng chỉ có doanh thu mỗi năm khoảng 30 triệu USD, tức bằng khoảng 1/200 Công ty Continental và bằng 1/100 của Hutchison.

Điều này cho thấy ngành CNHT của Việt Nam còn quá nhỏ. Theo đó, để các DN Việt có được chỗ đứng trong chuỗi cung ứng linh kiện cao su kỹ thuật cho các tập đoàn điện tử, ô tô lớn trên thế giới hẳn còn là thử thách lớn.

Những khó khăn của ngành CNHT ngành nhựa – cao su:

Sự manh mún trong phát triển ngành chưa tạo ra một chuỗi cung ứng khiến cho doanh nghiệp nào cũng phải đầu tư từ A đến Z, nhưng lại không sử dụng hết công suất của máy móc, làm tăng chi phí đầu tư và lãng phí hiệu suất.

Thực tế phát triển nhiều năm qua, các DN nhựa - cao su với hình thức tổ hợp gia đình, sản xuất nhỏ lẻ. Hạn chế lớn nhất đối với các DN vừa và nhỏ trong ngành nhựa là thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng, khó đổi mới công nghệ nên chưa thể đi sâu nghiên cứu, sản xuất các chi tiết sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh hạn chế, trong khi giá thành cao khó cạnh tranh.

Ngoài ra, các DN vẫn chưa thể đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cao su kỹ thuật (chủ yếu phục vụ trong ngành giao thông như khe co giãn cầu đường, gối cầu đường, đệm cao su cầu cảng…) mang lại giá trị gia tăng cao hơn, vì khó khăn lớn nhất hiện nay của DN là không có cơ quan nào kiểm định và chứng nhận chất lượng để có thể tham gia đấu thầu các dự án lớn. Vì thế, cần sớm có cơ chế hỗ trợ về thiết bị kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo điều kiện cho việc sản xuất các sản phẩm CNHT ngành cao su - nhựa có cơ hội phát triển.

Mặc dù doanh thu ngành đạt cả chục tỷ USD mỗi năm, nhưng do phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong khi đó, chính sách không tạo được lực hút đầu tư, đang khiến ngành CNHT nói chung cũng như ngành nhựa - cao su nói riêng rơi vào cảnh tụt hậu.

Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực của các doanh nghiệp CNHT trong lĩnh vực nhựa-cao su

Với xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đặt ra yêu cầu đối với ngành nhựa và cao su phải đáp ứng chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam cam kết thực hiện. Xu hướng phát triển ngành nhựa – cao su có nhiều thay đổi và tính cạnh tranh ngày càng cao trong việc sản xuất các sản phẩm nói chung và sản phẩm CNHT nói riêng. Trong đó, việc nâng cao khả năng đáp ứng và cung ứng sản phẩm CNHT cho các doanh nghiệp công nghệ cao là mục tiêu cần hướng đến bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm nhựa cao su truyền thống.

Tuy nhiên, hiện hệ thống doanh nghiệp trong ngành nhựa và cao su đa phần có quy mô nhỏ và vừa, hình thành tự phát, phần lớn chưa xác định rõ chiến lược dài hạn gắn với bối cảnh quốc tế hội nhập của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu chú trọng vào các thị trường truyền thống không đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng, chưa quan tâm đăng ký theo hệ thống chất lượng chuẩn của thế giới, nên gặp khó khăn trong quá trình liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và thế giới. Mặt bằng chung về công nghệ, nhân lực, thị trường và tầm nhìn của doanh nghiệp thành phố thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI, dẫn đến khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Hiện nay doanh nghiệp FDI về CNHT hiện diện tại Việt Nam ngày càng nhiều và có quy mô rất lớn nhưng các doanh nghiệp trong nước hầu như vẫn chưa có động thái gì. Trong khi đó, ngành nhựa – cao su có thị trường rất rộng lớn và đa dạng, chỉ cần đáp ứng được yêu cầu về giá và chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể được chọn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp lớn của thể giới.

Để làm được điều đó, sự hỗ trợ về vốn đối với doanh nghiệp nên tập trung vào khâu mua thiết bị. Thực tế tầm nhìn của doanh nghiệp trong nước không kém, nhưng nội lực kém. Ngoài ra, sự manh mún trong phát triển ngành chưa tạo ra một chuỗi cung ứng khiến cho doanh nghiệp nào cũng phải đầu tư từ A đến Z, nhưng lại không sử dụng hết công suất của máy móc, làm tăng chi phí đầu tư và lãng phí hiệu suất.

Để thu hút đầu tư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển CNHT trong giai đoạn 2016-2020, cần triển khai thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, kiện toàn công tác quản lý nhà nước về CNHT. Bởi một trong những nguyên nhân quan trọng gây cản trở sự phát triển là do sự chồng chéo, phối hợp thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các ngành, các cấp.

Thứ hai, chuẩn bị sẵn sàng mặt bằng phục vụ sản xuất để thu hút đầu tư. Qua khảo sát yêu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT chỉ cần thuê nhà xưởng diện tích nhỏ (200 - 300 m2), trong khi thực tế các nhà đầu tư hạ tầng tại các khu chế xuất - khu công nghiệp thường chỉ cho thuê đất với diện tích vài nghìn mét vuông trở lên. Để đáp ứng nhu cầu này, cần có chính sách khuyến khích, mời gọi các công ty đầu tư hạ tầng xây dựng sẵn các nhà xưởng cao tầng có quy mô phù hợp với nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT.

Ngoài ra, để chuẩn bị đón nhận làn sóng đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, rà soát việc sử dụng đất nông nghiệp tại các quận - huyện, có hiệu quả kinh tế thấp để đề xuất chuyển thành đất phục vụ sản xuất nhằm tạo quỹ đất đủ lớn để thu hút, chọn lọc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có dự án phù hợp với định hướng phát triển.

Thứ ba, xác định sản phẩm CNHT tiêu biểu, cần thay đổi nhận thức, tư duy từ “phát triển theo chiều rộng” dàn trải như trước đây sang “phát triển theo chiều sâu”, chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm nâng cao hàm lượng chất xám, khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, nhóm sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Thứ tư, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm bổ sung kiến thức cho đội ngũ quản lý, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động. Cần tiến hành rà soát chọn các viện/trường có năng lực, quy mô phù hợp để tổ chức gắn kết chương trình đào tạo với thực tiễn sử dụng lao động của doanh nghiệp; vận dụng, khai thác có hiệu sự trợ giúp của các tổ chức xúc tiến thương mại, tổ chức nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật của nước ngoài; thực hiện thí điểm, mời gọi các chuyên gia trong và ngoài nước để làm tư vấn xây dựng cơ chế, chính sách , tư vấn đổi mới công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích thu hút lực lượng lao động từ các du học sinh, các đối tượng hợp tác lao động ở nước ngoài trở về nước để làm việc …

Thứ năm, cần có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ; đồng thời, giao một đầu mối là Trung tâm phát triển CNHT tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chương trình.

Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu CNHT nhằm giúp các doanh nghiệp có thông tin về nhau, thông tin về nguồn cung và nhu cầu sản phẩm CNHT, từ đó sẽ là cơ sở để kết nối các doanh nghiệp CNHT với nhau và với các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo support.gov.vn

Cùng chuyên mục

Hơn 500 doanh nghiệp tham gia Diễn đàn và Triển lãm quốc tế Đô thị thông minh châu Á lần 3

22/04/2024 - 08:40

Từ ngày 17/4 đến 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Exporum Việt Nam phối hợp cùng Hội Tự động hóa Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế Đô thị thông minh châu Á - Smart City Asia 2024 lần 3 với chủ đề Công nghệ Số và Công nghệ Xanh trong phát triển đô thị thông minh.

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 2
  • 2
  • 4
  • 6
  • 8
  • 2