Thứ bảy, 20/04/2024 | 18:36 - GMT+7

Hòa Phát nâng cao năng suất nhờ đổi mới công nghệ

Là một trong những ngành phải dựa vào sự hỗ trợ, bảo hộ của nhà nước trong thời gian khá dài, ngành thép bắt buộc phải nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của mình trong xu thế hội nhập hiện nay. Để làm được điều này nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong đó có Tập đoàn Hòa Phát.

05/08/2016 - 08:58

Là một trong những ngành phải dựa vào sự hỗ trợ, bảo hộ của nhà nước trong thời gian khá dài, ngành thép bắt buộc phải nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của mình trong xu thế hội nhập hiện nay. Để làm được điều này nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong đó có Tập đoàn Hòa Phát.

Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, để nâng cao năng suất thiết bị, tiết kiệm chi phí trong sản xuất, ngày 10/6/2016 vừa qua, tập đoàn này đã đưa hệ thống máy hàn phôi thép tự động vào sản xuất đồng bộ của dây chuyền cán số 3, thuộc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát, Kinh Môn - Hải Dương.

Chia sẻ về việc lắp đặt thiết bị trên, ông Bùi Văn Tiệp - Giám đốc Nhà máy cán thép Hòa Phát - cho biết, công nghệ và thiết bị máy hàn tự động nói trên được chế tạo bởi Tập đoàn Danieli (Italy). Nhiều nhà máy trên thế giới đã áp dụng thành công và mang lại hiệu quả rõ rệt trong sản xuất thép cán. Do vậy, Công ty CP Thép Hòa Phát đã quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống này.

Theo tính toán, hệ thống máy hàn sẽ giúp tăng năng suất cán ít nhất 5%, tăng độ ổn định của thiết bị do dòng phôi cán liên tục. Khi hàn không còn hiện tượng đầu phôi mất nhiệt, độ bền của các thiết bị, đặc biệt là hộp số, trục cán, bánh cán, con lăn hộp dẫn sẽ tăng lên, giảm sự cố bung thép nhờ sản xuất liền mạch.

Ưu điểm nổi bật và kinh tế nhất của việc áp dụng máy hàn phôi vào dây chuyền cán thép là chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng, sản phẩm đầu ra đồng đều hơn, không còn đầu mẩu tại các máy cắt như trước đây, khắc phục hoàn toàn vấn đề thép ngắn dài trong quá trình sản xuất.

Máy hàn phôi Danieli của Hòa Phát

Máy hàn phôi sử dụng dòng điện xoay chiều đầu vào 0,4KV, được áp dụng đầu tiên cho dây chuyền mới và lớn nhất của thép Hòa Phát (dây chuyền cán thép công suất 600.000 tấn/năm). Sau đó, công ty sẽ xem xét hiệu quả để áp dụng cho các dây chuyền khác nhằm tăng sản lượng, giảm chi phí…

Trước đó, Hòa Phát đã đầu tư công nghệ, máy móc đồng bộ, tuần hoàn phục vụ khép kín cho sản xuất, nhờ đó nâng cao năng suất, cho ra sản phẩm với giá thành cạnh trạnh, giúp sản lượng sản xuất cùng giá trị đều tăng cao theo thời gian. Đặc biệt, từ tháng 5/2016 dự án nhà máy tôn mạ màu, mạ lạnh và sơn màu công suất 400.000 tấn/năm tại Hưng Yên đã được triển khai. Tập đoàn vừa ký hợp đồng toàn bộ các dây chuyền thiết bị chính với đối tác Danieli. Dự kiến Hòa Phát cùng các nhà thầu châu Âu phấn đấu sẽ đưa vào chạy thử vào cuối năm 2017 và đầu 2018 sẽ có sản phẩm ra thị trường sớm hơn dự kiến.

Việc đổi mới ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất không chỉ góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thép của tập đoàn mà còn giúp Hòa Phát chiếm lĩnh thị phần tiêu thụ. Bằng chứng là quý II/2016 sản lượng tiêu thụ thép - ống thép của Hòa Phát đã tăng mạnh so với cùng kỳ. Trung bình trong quý II, mỗi tháng Công ty Ống thép Hòa Phát tiêu thụ khoảng 40.000 tấn, dẫn đầu thị phần cả nước.

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2016, thép Hòa Phát đạt sản lượng bán hàng 785.000 tấn, chiếm 20,46% thị phần thép xây dựng toàn quốc. Ngoài thép thành phẩm, Hòa Phát còn cung cấp 140.000 tấn phôi thép cho các nhà máy cán thép khác tại Việt Nam.

Theo baocongthuong.com.vn 

 

 

Xem thêm

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 4
  • 1
  • 9
  • 4
  • 5
  • 6
  • 0