[In trang]
Làm chủ công nghệ sản xuất sợi thuỷ tinh dùng cho thông tin quang
Thứ bảy, 28/03/2020 - 08:34
Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu Điện đã đầu tư nghiên cứu và xây dựng Nhà máy sản xuất sợi thuỷ tinh dùng cho thông tin quang. Dự án được Bộ Công Thương hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đào tạo nhân lực và kết nối với các doanh nghiệp uy tín nước ngoài trong quá trình chuyển giao công nghệ.

Mạng viễn thông và công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ nhờ vào một nền tảng băng rộng do mạng thông tin sợi quang mang lại. Với sự phát triển của công nghệ, các nhà sản xuất đã có thể sản xuất sợi quang với năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định, dẫn tới chi phí sản xuất giảm. Điều này càng thúc đẩy sự phổ biến rộng rãi của sợi quang. Thực tế cho thấy sử dụng sợi quang cho hệ thống thông tin rất hiệu quả với ưu điểm là suy hao thấp, miễn nhiễm với các nguồn nhiễu điện từ trường, cự ly thông tin xa hơn.

Theo một số báo cáo nghiên cứu và dự báo thị trường, nhu cầu sợi quang năm 2025 sẽ gấp 3 lần so với năm 2015, trong đó chủ yếu đến từ nhu cầu của ngành thông tin và truyền thông, phát thanh và truyền hình. 

Trước những cơ hội đến từ nhu cầu thị trường cũng như công nghệ đã chín muồi, Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu Điện (POSTEF) đã đầu tư nghiên cứu và xây dựng Nhà máy sản xuất sợi thuỷ tinh dùng cho thông tin quang. Dự án nhằm góp phần vào chiến lược phát triển của Tập đoàn VNPT, chủ động vật tư để phát triển mạng lưới, tạo lợi thế cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác.

Dự án được Bộ Công Thương hỗ trợ một phần kinh phí cho việc đào tạo nhân lực và kết nối với các doanh nghiệp uy tín nước ngoài nhằm học hỏi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ.

Ông Trần Việt Hoà, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, phát biểu tại buổi nghiệm thu  

Báo cáo tại buổi nghiệm thu (ngày 10/10/2019), chủ nhiệm dự án-Thạc sỹ Trần Hải Vân đã nêu rõ các nội dung thực hiện cụ thể của dự án, trong đó nổi bật là “Xây dựng thành công nhà máy sản xuất sợi thủy tinh theo đúng thiết kế và đã đưa vào vận hành hiệu quả. Dây chuyền kéo sợi đồng bộ với sản lượng sản xuất của dây chuyền 3,2 triệu km sợi/năm với chất lượng tương đương các loại sợi quang nhập khẩu cho cả ba loại sợi ITU-T G.652D, G.655 và G.657.A1. Trong giai đoạn từ tháng 04/2018 đến 04/2019 dây chuyền đã sản xuất thành công 100.000 km sợi.”

Giới thiệu về nhà máy, Thạc sỹ Vân cho biết đầy là công trình được xây dựng tại Tổ hợp công nghiệp POSTEF, VSIP Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 287 tỷ đồng. Công suất thiết kế của nhà máy là 4 dây chuyền, tương đương với sản lượng 3,2 triệu km sợi quang đơn mode/năm. Nhà máy có diện tích xây dựng là 2.500m2, trên tổng diện tích 5.000m2 gồm nhiều khu nhà chức năng và tổ hợp sản xuất. Nhà máy được khởi công từ tháng 02/2017 và đến nay đã hoàn thành và đi vào sản xuất. 

Thách thức lớn nhất là phải dựng được cột tháp kéo cao 38m, cao nhất Đông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. Chân tháp thẳng và không rung, đảm bảo khi vận hành không bị ảnh hưởng bởi rung chấn ngoại lai.  Để làm được điều này, các kỹ sư đã phải nghiên cứu vật lý và địa chấn của khu vực xây dựng trong 100 năm và thiết kế chân đế tháp có độ sâu 2,5m với vật liệu là bê tông cốt thép và vật liệu giảm chấn.

“Các thiết bị bên trong tháp được lắp đặt từ nóc. Trong quá trình xây dựng, tháp hoàn toàn không có sàn nên việc thi công và lắp máy rất khó khăn. Ngoài ra, để đảm bảo bề mặt sàn thật phẳng, không phát sinh bụi từ nền bê tông nên sàn nhà được phủ Epoxy, là một kỹ thuật thi công phức tạp với dụng cụ và thiết bị đặc thù. Điều này đến từ yêu cầu độ sạch rất cao vì khi kéo sợi, bụi mịn lơ lửng có thể bám vào bề mặt phôi và gây ra các khuyết tật cho sợi quang hoặc ảnh hưởng tới công tác đo kiểm chất lượng”, ông Vân giải thích.

Ông Trịnh An Huy, Đại diện nhóm đề tài, trình bày về dự án trước hội đồng

Hệ thống thiết bị sản xuất của nhà máy được nhập khẩu từ hãng Rosendahl Nextrom (Phần Lan & Australia). Hệ thống thiết bị bao gồm tháp kéo sợi quang theo phương pháp đứng bao gồm 20 phần chính, thiết bị nạp phôi, lò nung cao tần, hệ thống làm mát tốc độ cao, hệ thống phủ và đóng rắn acrylate, thiết bị đóng rắn Acrylate bằng tia UV, thiết bị chống xắn sợi, thiết bị kéo khởi động – kéo chính, thiết bị thu sợi kép, hệ thống giám sát đường kính sợi, hệ thống điều khiển trung tâm, thiết bị xử lý hoá học sợi quang bằng khí D2, thiết bị kiểm tra lực căng và chia lô và thiết bị nhuộm màu sợi quang. Trình bày về lý do lựa chọn dây chuyền thiết bị của Nextrom, ông Vân cho biết “Đây là dây chuyền dạng kéo đứng hiện đại nhất thế giới; đồng bộ, tích hợp kéo sợi và kiểm tra online; có tốc độ kéo cao; tương thích với nhiều loại phôi với kích thước khác nhau và dễ dàng nâng cấp. Do đó đáp ứng được yêu cầu về sản lượng sản xuất, chất lượng và năng suất cao, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của Tập đoàn”.

Hệ thống thiết bị phụ trợ - với tác dụng hỗ trợ các thiết bị chính hoạt động đúng chức năng, hiệu quả và chuẩn xác - gồm hai hệ thống chính là: hệ thống cấp nước và hệ thống cấp khí. Hệ thống cấp nước gồm 6 bể bơm nước cho hệ thống Chiller và cấp nước làm mát cho các bộ phận như Preform feeding, lò nung thuỷ tinh, AHU buồng sạch tinh… tuân thủ các chỉ tiêu kỹ thuật của Nextrom. Hệ thống cấp khí có nhiệm vụ đảm bảo các loại khí Ar, He, D2, CO2, N2, CDA được cung cấp liên tục trong quá trình sản xuất. Các loại khí này phải đạt yêu cầu cao về độ tinh khiết (>=99,9%) nhằm đảm bảo những đặc tính hoá học quan trọng như độ dẫn nhiệt, độ cách nhiệt… Chúng được chứa trong các bồn hoặc bình đạt chuẩn an toàn như TCVN 8366:2010, QCVN 10:2012/BCT, TCVN 6008:2010.

Ngày 15/8, tại Bắc Ninh, Công ty Postef (Tập đoàn VNPT) đã tổ chức lễ khánh thành nhà máy sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á sản xuất được vật liệu này.


Trong quá trình thực hiện dự án, nhằm kiểm tra chất lượng sản phẩm sợi quang hoạt động trên mạng viễn thông, doanh nghiệp đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn với các chỉ tiêu đo giá trị suy hao, giá trị tán sắc, độ bền – khả năng chịu kéo, bước sóng cắt, đặc tính hình học sợi, đường kính trường mode và độ cong sợi. Bộ tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên sự tham khảo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế như Khuyến nghị ITU-T về tiêu chuẩn sợi quang G.652, G.655, G.657.A1; Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8865:2011; Tiêu chuẩn kỹ thuật của các hãng sản xuất danh tiếng Sumitomo (Nhật) và Corning (Mỹ); và chỉ tiêu kỹ thuật sợi quang đơn mode của POSTEF.

Thiết bị đo được sử dụng đến từ hãng Photon Kinetics (Mỹ). Theo lý giải của chủ nhiệm dự án về lựa chọn này vì “Công ty này là đơn vị sản xuất dẫn đầu thị phần máy đo kiểm sợi quang trong công nghiệp sản xuất sợi và cáp quang. Các thiết bị của PK hoàn toàn phù hợp với bộ tiêu chuẩn IEC 60793.”

Quy trình kiểm tra chất lượng trải qua 3 lần đo kiểm. Đo kiểm lần 1, sau quá trình Kéo khởi động sợi quang, kiểm tra: bước sóng cắt, đặc tính hình học sợi & lớp phủ, MFD, và động cong tự nhiên của sợi. Đo kiểm lần 2, sau quá trình chia lô sợi quang, kiểm tra thêm các đặc tính tán sắc và OTDR ngoài các tính chất trên. Cuối cùng là đo kiểm lần 3 sau khi sợi đã được nhuộm màu, kiểm tra OTDR một lần nữa. “Sản phẩm qua được 3 lần kiểm tra này đảm bảo có chất lượng tương đương các sản phẩm cùng chủng loại đến từ các nhà sản xuất uy tín thế giới”, ông Vân khẳng định. 

Nguyên liệu đầu vào được lựa chọn là phôi thuỷ tinh do nhà sản xuất danh tiếng thế giới Sumitomo (Nhật Bản) cung cấp. Để đảm bảo chất lượng sợi quang, phương pháp được sử dụng là phủ hai lớp, phủ mềm sơ cấp bên trong và phủ cứng thứ cấp bên ngoài, với vật liệu phủ Acrylate, công nghệ wet on wet sử dụng cho dây chuyền sản xuất sợi quang phương pháp kéo đứng.

Nhà máy đã được xây dựng đảm bảo kỹ thuật và đưa vào sản xuất thử nghiệm thành công hơn 100.000km sợi. Nhà máy đã được tiếp nhận kỹ thuật và chuyển giao công nghệ từ Nextrom và SEI; với sản phẩm là hơn 30 bộ tài liệu được biên dịch và 9 kỹ sư được đi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất tại Phần Lan, Nhật Bản và Nga.

"Mặc dù mới hết một nửa thời gian được giao (6 tháng), nhưng quá trình đào tạo làm chủ công nghệ được đánh giá hoàn thành gần 80%: xây dựng được 32 quy trình đo kiểm sản phẩm và bảo dưỡng thiết bị đo kiểm, 15 quy trình hướng dẫn an toàn sản xuất, 27 quy trình sản xuất và hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng thiết bị sản xuất. Nổi bật nhất là nhà máy đã sản xuất được sợi quang đơn mode G.652D, G655 và G.657.A1 đạt yêu cầu, sẵn sàng cung cấp cho thị trường bất cứ lúc nào.”- Ông Vân thông tin. 

Đại diện Tổ Chuyên gia đọc biên bản đánh giá của Hội đồng

Đánh giá chung của hội đồng nghiệm thu, nhà máy kéo sợi đủ tiêu chuẩn công nghệ cao, lắp đặt thành công 4 quy trình công nghệ. Chất lượng các sản phẩm đầu ra đạt yêu cầu, một số chỉ tiêu vượt yêu cầu đã được phê duyệt. Tổ chuyên gia khẳng định nhà máy đã dần hoàn thành nhiệm vụ tiếp thu, làm chủ công nghệ cao, không chỉ giúp giảm nhập siêu mà còn tạo đà cho các công nghệ trong & ngoài lĩnh vực phát triển sau này. Thêm vào đó, dự án đã tận dụng được các sản phẩm khí công nghiệp trong nước, góp phần thúc đẩy sản xuất và đóng góp vào vòng tuần hoàn sản xuất – tiêu thụ nội địa. Đặc biệt, về góc độ kinh tế, dự án đã thành công xây dựng nhà máy với kinh phí thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung.  

Việc nhà máy sản xuất sợi quang đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, là nhà máy sản xuất sợi thủy tinh đầu tiên phục vụ cho việc sản xuất cáp quang của Tập đoàn VNPT, giúp VNPT hoàn thành mục tiêu làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất và sử dụng sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin thay vì phải nhập hoàn toàn từ nước ngoài. Đồng thời hướng tới xuất khẩu sợi quang sang một số thị trường mà Tập đoàn VNPT đang đầu tư, kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Campuchia…

Thông tin thêm về Dự án

Tên dự án: Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thuỷ tinh dùng cho thông tin quang

(Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao - Bộ Công Thương)

Cơ quan chủ trì: Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF) – Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam

Chủ nhiệm dự án: ThS. Trần Hải Vân

 Vụ Khoa học và công nghệ