[In trang]
Xe tự lái mang đến điều gì cho xã hội loài người?
Thứ sáu, 03/01/2020 - 15:24
Nhiều người cho rằng các nhà phát triển xe tự lái đang cố gắng lái luận điểm của cuộc tranh luận về đảm bảo mạng sống của những người tham gia giao thông chỉ có thể dựa vào công nghệ xe tự lái mà gạt bỏ các phương pháp cải tiến khác.

Giá trị an toàn hay chỉ là những con số?

 

Tháng 3 năm 2017, chủ một chiếc xe tự lái chết sau một tai nạn giao thông khi xe trong quá trình tự lái hoàn toàn. Đại diện công ty sản xuất, hãng Tesla, đưa ra phản hồi sau sự cố này, “Nếu mức độ an toàn hiện tại của Tesla được áp dụng, 900 ngàn người sẽ không phải bỏ mạng mỗi năm”. Tại một hội nghị ở Texas, John Krafcik, giám đốc điều hành dự án xe tự lái của Google đưa ra dự đoán rằng số tai nạn trên toàn cầu sẽ giảm xuống khoảng 1,25 triệu ca mỗi năm nếu xe tự lái được phổ biến. Tuy nhiên, dường như có một chút phóng đại ở đây.

Từ góc độ kỹ thuật, con số 1,25 triệu chỉ có thể trở thành hiện thực nếu tất cả mọi con đường, điều kiện vận hành và tài xế trên toàn thế giới đều đạt chuẩn như ở Mỹ, Đức, Trung Quốc hay các quốc gia công nghệ phát triển khác. Hẳn nhiên là điều này không tồn tại.

Tại Ấn Độ, một trong những quốc gia có tỷ lệ thương vong do tai giao thông cao nhất thế giới, vô số con đường luôn trong tình trạng gập ghềnh hoặc đang sửa chữa. Chỉ một số ít có vạch chỉ đường và cũng vô cùng rối loạn. Các tài xế thì nổi tiếng trong việc luồn lách. Chủ tịch Maruti Suzuki, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất Ấn Độ, tỏ ra không lạc quan về tiềm năng của công nghệ xe tự lái tại thị trường này, “Tôi không nghĩ rằng công nghệ có thể ứng dụng tốt ở đây bởi chẳng ai tuân thủ luật lệ và hệ thống cả”.

Ấn Độ, thậm chí chưa nằm trong top 25 quốc gia có số ca tử vong bởi tai nạn giao thông cao nhất thế giới trên đầu người. Tại những nơi này, công nghệ tự lái hẳn là không mấy hữu dụng.

Các quan điểm tiếp cận khác nhau

Quay trở lại xem xét vấn đề từ góc độ kỹ thuật, trước khi có sự xuất hiện của công nghệ tự lái, số thương vong do tai nạn đã giảm đáng kể tại Mỹ từ năm 1937 đến 1972 nhờ rất nhiều cải tiến kỹ thuật trong xe hơi. Các công nghệ nổi bật đóng góp cho thành tựu này có thể kể đến đai an toàn, túi khí, phanh chống khóa chết, camera quan sát đuôi xe, hệ thống ổn định điện và hệ thống kết cấu cải tiến.

Những tiến bộ trong cơ sở hạ tầng, như đèn tín hiệu, biển báo và camera giao thông cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm số tai nạn và thương vong. Thêm vào đó, luật và các quy định, chính sách liên quan cũng là một yếu tố cần nhắc đến. Ví dụ, quy định bắt buộc đeo dây an toàn và mũ bảo hiểm, xử phạt nặng những tài xế bất cẩn hay chiến dịch phản đối tài xế say rượu, siết chặt luật, giảm giới hạn tốc độ, thêm các trạm kiểm tra cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tai nạn.

Tại nhiều nơi trên thế giới, một phương pháp có tên là “Hệ thống an toàn” đã được áp dụng để giải quyết vấn đề này. Dựa trên cơ sở lý luận rằng lỗi phát sinh từ phía người lái là không thể tránh khỏi, hệ thống giao thông do đó phải được xây dựng để hạn chế tối đa khả năng tài xế mắc lỗi trong quá trình tham gia giao thông.

Theo dữ liệu thu thập tại 53 nước từ năm 1994 đến 2015 của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), những thành phố áp dụng phương pháp trên có tỷ lệ tai nạn chết người trên 100 nghìn dân đã giảm đáng kể so với nơi không áp dụng, như Minnesota giảm 40% trong vòng 10 năm. Giải pháp này giải quyết các yếu tố như sử dụng đất và hoạch định lưu thông. Trong đó gồm giảm lệ thuộc của các phương tiện và thúc đẩy môi trường giao thông an toàn, ổn định và thân thiện môi trường; quản lý tốc độ toàn diện; thiết kế giao lộ an toàn; thiết kế đường giúp người tham gia giao thông giảm lỗi; cải thiện giao thông công cộng; cải thiện kỹ thuật và thiết kế các phương tiện di chuyển an toàn; và hợp tác chặt chẽ và chất lượng giữa các bên phản ứng nhanh trong và sau tai nạn.

Đây là cách giải quyết vấn đề hoàn toàn đối lập so với những người ủng hộ phương tiện tự lái khi kêu gọi thay thế trí tuệ nhân tạo cho những tài xế bất cẩn. Rất nhiều người, bao gồm những nhà đầu tư, tư vấn, học giả, nhà nghiên cứu và cả giới chức trách, đều lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho công nghệ tự lái. Adrienne LaFrance, tác giả cuốn Atlantic, đã viết “Có khoảng 1,2 triệu người chết vì tai nạn giao thông hàng năm. Điều đó có nghĩa là mỗi thập kỷ những tài xế bất cẩn gây ra 10 triệu vụ chết người và con số này là 50 triệu trong vòng nửa thập kỷ”. Cùng quan điểm, Shahin Farshchi đã viết trên tờ Forbes rằng “Các nghiên cứu nói rằng hàng tỷ dặm đường cần được cải thiện cho đến khi khả năng an toàn của công nghệ tự lái có thể được chứng minh. Tiếc rằng trước đó chúng ta đã mất hàng ngàn mạng sống”.

Vấn đề đạo đức

 
Năm năm trước, khi công nghệ xe tự lái mới ở giai đoạn sơ khởi, nhiều học giả, nhà báo, nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi AI có thể đưa ra quyết định thế nào nếu xảy ra tình huống như sau: xe sẽ đâm vào một người qua đường để tránh một nhóm người khác, hay tiếp tục lộ trình không tổn hại gì tới người qua đường kia nhưng chắc chắn sẽ gây thương vong đến nhóm người còn lại.

Câu hỏi này xoáy sâu vào vấn đề làm thế nào các kỹ sư có thể dạy AI cách xử lý một tình huống đạo đức gây tranh cãi mà các tài xế phải đối mặt hàng ngày. Nhìn rộng ra, câu hỏi này liên quan đến vấn đề mối quan hệ giữa con người với trí thông minh nhân tạo.

Ví dụ, nếu được thông qua, xe tự lái hoàn toàn có thể giúp những người khuyết tật gạt bỏ những khuyến khuyết chức năng cơ thể và hòa nhập hơn vào xã hội, như ra ngoài làm việc. Tương tự, người cao tuổi có thể chủ động việc đi lại và những người mẹ đang công tác sẽ thoải mái hơn trong việc đưa đón con với sự hỗ trợ của xe tự lái hoàn toàn.

Nhiều người đã tuyên đoán rằng công nghệ xe tự lái sẽ đem đến những thay đổi tích cực trong xã hội, như giảm lượng xe, giảm tắc đường, giảm nhu cầu bến bãi và chi phí bảo hiểm cũng như bảo dưỡng, giảm phụ thuộc vào xăng dầu, tăng năng suất lao động. Đi kèm theo nó, tất nhiên, là những tác động tiêu cực như áp lực thu nhập của giới tài xế tăng, giảm lợi nhuận cho những thành phố nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào thu thuế giao thông, và, quan trọng hơn hết, là quyền điều hành chuyển từ người chủ sang các thiết bị tự vận hành.

Ngắn gọn lại, xe tự lái hoàn toàn có nhiều tiềm năng cũng như nguy cơ đối với xã hội. Do đó, các nhà hành pháp và viết luật cần đưa mọi vấn đề ra cân nhắc, đánh giá và nghiên cứu cẩn thận trước khi cho phép công nghệ này được phổ biến rộng rãi. Công chúng cần có những diễn đàn thảo luận sâu rộn hơn trong vấn đề này, bao gồm cân nhắc các kịch bản, hệ quả có thể xảy ra cũng như là các luật và quy định cần thiết liên quan đến vấn đề này.

Hương Giang lược dịch (Theo Issues)