[In trang]
Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh
Chủ nhật, 02/02/2020 - 20:55
“Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh”. Đây là chủ đề của hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức ngày 2/10 tại Hà Nội.

“Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh”. Đây là chủ đề của hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tổ chức ngày 2/10 tại Hà Nội. Hội thảo gồm 6 báo cáo chuyên đề của các chuyên gia trong nước và quốc tế và phiên thảo luận bàn tròn tập trung vào nội dung xây dựng doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật số. 

Tham dự hội thảo có đồng chí Triệu Tài Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam; ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cùng đại diện các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, tự động hóa ở Việt Nam. 

Ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Triệu Tài Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: “Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52 ngày 27 tháng 9 năm 2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng 4.0. Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã xác định việc chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ 4 là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cuộc cách mạng này không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ mà quan trọng hơn là cuộc cách mạng về thể chế, yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, quản lý xã hội”.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, chuyển đổi số là cốt lõi của sản xuất thông minh. Chuyển đổi số gồm hai trụ cột chính là chuyển đổi số quản lý và chuyển đổi số doanh nghiệp. Trong đó, chuyển đổi số doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng bởi hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số thành công thì nền kinh tế cũng không thể chuyển đổi số thành công được. 

“Chuyển đổi số doanh nghiệp chịu tác động của 3 yếu tố, bao gồm phát minh, sáng chế công nghệ, phản hồi của người tiêu dùng và cơ chế chính sách của nhà nước đối với sự phát triển của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Quân cho biết thêm.

Cũng theo TS. Nguyễn Quân, doanh nghiệp trước khi tiến hành chuyển đổi số cần quan tâm, chuẩn bị một số vấn đề như cơ sở vật chất của doanh nghiệp đã tương thích với công nghệ số hay chưa; nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; cân nhắc, lựa chọn sản phẩm, công nghệ phù hợp với thời đại số; lựa chọn công nghệ số cũng như số hóa toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. 

Quang cảnh hội thảo

Báo cáo tại hội thảo, TS. Trương Hoàng Linh – Giám đốc Kỹ thuật số quốc gia, ABB Việt Nam khẳng định, trong quá trình số hóa sản xuất, robot tự động hóa chính là yếu tố cốt lõi định hình ngành công nghiệp 4.0. Robot xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đặc biệt trong những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều này cho thấy robot ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong sản xuất. 

Bàn về ứng dụng IoT trong phát triển nhà máy kết nối thông minh, ông Ramesh Rao – Giám đốc Kỹ thuật cấp cao, Bộ phận quản lý sản phẩm và công nghệ, Qualcomm Technology Licensing (QTL) cam kết sẽ cùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0 để xây dựng, thúc đẩy nhà máy thông minh, từ đó hiện thực hóa các công nghệ sản xuất thông minh.

Tại hội thảo, một số bài tham luận khác cũng nhận được sự quan tâm, chú ý của đông đảo đại biểu tham dự như báo cáo “Triển khai nhà máy thông minh tại doanh nghiệp Việt Nam”; “Hành trình Chuyển đổi số”; “Tương lai của tự động hóa”; “Chuyển đổi số thành công trong nhà máy với nền tảng Advantech AIoT và SRP”; “Tham gia CMCN 4.0 tiến tới hiện thực hóa chiến lược xây dựng nền công nghiệp tiên tiến”. 

Sau khi nghe 7 tham luận của các chuyên gia trong nước và quốc tế, các đại biểu tiếp tục tham dự thảo luận bàn tròn với nội dung “Xây dựng doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật số: Từ chiến lược tới hành động”. Trong đó, nội dung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành sản xuất thông minh nhận được sự trao đổi hết sức sôi nổi của các đại biểu.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) khẳng định, việc xây dựng một bộ chỉ số đánh giá về sản xuất thông minh đối với các doanh nghiệp Việt Nam là rất cần thiết. Nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã xây dựng và áp dụng thành công bộ chỉ số đánh giá về sản xuất thông minh như Singapore, Indonesia, Đức,…Tuy nhiên, khi xây dựng bộ chỉ số này, các quốc gia, tổ chức đều phải căn cứ vào mục tiêu, đối tượng áp dụng trong thực tế. Đối với Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa nên khi xây dựng bộ chỉ số cũng cần phải xem xét đến đặc thù này cũng như sự tương thích với các tiêu chuẩn, các quy định và cách tiếp cận chung về CMCN 4.0. Do đó, theo ông Hòa, trước mắt đơn vị quản lý nhà nước sẽ thí điểm áp dụng các bộ chỉ số đã có, trên cơ sở đó đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam. 

Trong khi đó, TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đề xuất, trong quá trình xây dựng bộ chỉ số về sản xuất thông minh, nên mời các hiệp hội, các tổ chức nghề nghiệp có chuyên môn tham gia vào hội đồng xây dựng và thẩm định bộ chỉ số, có như vậy thì hệ thống tiêu chuẩn cũng như bộ chỉ số của Việt Nam mới được xây dựng tốt nhất và chất lượng nhất. 

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn chiều ngày 2/10/2019. 

Bàn về những hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, theo ông Trần Việt Hòa, trong quá trình chuyển đổi số, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn mà một trong số đó là tìm được một đơn vị tư vấn phù hợp với doanh nghiệp. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã trở thành cầu nối giúp giới thiệu, kết nối các đơn vị tư vấn với doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công. Cụ thể, Bộ Công Thương đã giúp kết nối Tập đoàn công nghệ Siemens với Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông để bước đầu tiến hành chuyển đổi số. 

“Song song với những hỗ trợ về kết nối giữa doanh nghiệp và nhà tư vấn, đơn vị quản lý nhà nước cũng cần có điều chỉnh về chính sách để đưa ra những hỗ trợ mới cần thiết và kịp thời cho doanh nghiệp công nghệ cao tực hiện chuyển đổi số thành công”, ông Hòa cho biết.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ (KH&CN) mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vự sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa – xã hội, quốc phòng an ninh, đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. 

Trên cơ sở Đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì xây dựng, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về “Một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0”. Với mục đích sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đồng thời để đánh giá kết quả tham gia cuộc CMCN 4.0 trong thời gian qua và tạo cơ hội cho các cơ quan quản lý nhà nước các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân được tham quan trao đổi học hỏi kinh nghiệm với  chuyên gia và doanh nghiệp quốc tế, Ban Kinh tế Trung ương cùng một số bộ liên quan tổ chức Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2019. 

Sự kiện bao gồm 01 Phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao và 05 phiên hội thảo chuyên đề diễn ra trong 2 ngày (2 và 3/10/2019) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. 

Vụ Khoa học và Công nghệ