[In trang]
Lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn từ các thiết bị kết hợp bộ não
Thứ hai, 16/09/2019 - 14:52
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các thiết bị kết hợp với não bộ con người cần được điều tra một cách cẩn trọng.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các thiết bị kết hợp với não bộ con người cần được điều tra một cách cẩn trọng. 

Đa số những người tham gia nghiên cứu cho rằng sẽ không có vấn đề gì lớn nếu như hoạt động hack não bộ được tiến hành với mục đích hỗ trợ y tế.

Ngược lại, các chuyên gia lại cho rằng khả năng con người tương lai biến thành một thiết bị cảm ứng ở mức độ nhất định với khả năng đọc được suy nghĩ của người khác sẽ dấy lên những lo ngại về mặt đạo đức.

Trong nghiên cứu “Con người công nghệ: Ranh rới nhạt nhoà giữa trí tuệ và máy móc”, các nhà khoa học hàng đầu thuộc Hội Hoàng gia Anh đã chỉ ra các cơ hội cũng như nguy cơ tiềm ẩn đến từ các thiết bị kết hợp não bộ - máy tính.

Các thiết bị như vậy, dù được cấy vào trong cơ thể con người hay gắn ở bên ngoài, đều kích thích các hoạt động ở cả não bộ và hệ thần kinh.

Một số khả năng của công nghệ thần kinh có thể thấy được như sau: 

- Người sử dụng thiết bị có thể chia sẻ hình ảnh đang nhìn thấy với người khác ngay cả khi người đó không ở cùng họ;

- Người sử dụng thiết bị có thể trò chuyện trong “suy nghĩ” với người khác mà không phải mở miệng;

- Người sử dụng thiết bị có thể học được các kỹ năng mới chỉ bằng việc download chúng. 

Trong một phần báo cáo nghiên cứu, các nhà khoa học đặt ra câu hỏi rằng công chúng nghĩ gì về các thiết bị này. Câu trả lời họ nhận lại là sự ủng hộ rất lớn trong trường hợp các thiết bị được sử dụng để hỗ trợ các bệnh nhân phục hồi sau chấn thương hoặc trong điều trị y tế. 

Tuy nhiên sự lo ngại lớn nhất rơi vào các trường hợp thiết bị được sử dụng nhằm mục đích nâng cao khả năng của con người như kích thích trí nhớ hoặc sức mạnh cơ bắp. 

Lợi ích cho nhân loại

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh vào nguy cơ các tập đoàn lớn có thể lợi dụng các thiết bị tương tự để đọc suy nghĩ và cảm xúc của người dùng, cũng như đặt ra câu hỏi lớn rằng liệu các thiết bị này có thay đổi một cách cơ bản về định nghĩa thế nào là một con người. 

Tiến sỹ Tim Constandinou, Giám đốc Phòng thí nghiệm giao diện thần kinh thế hệ kế tiếp (NGNI) thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn và là đồng chủ nhiệm nghiên cứu, phát biểu “Đến 2040, các giao diện thần kinh có khả năng giúp những người bị liệt đi lại giống như người bình thường và giải quyết chứng trầm cảm kháng trị. Chúng thậm chí có thể hiện thực phương pháp điều trị bệnh Alzheimer.”

“Bằng cách này chúng ta có thể đảm bảo các kỹ thuật mới được thực hiện một cách an toàn và đem lại lợi ích cho nhân loại.”

Các đề xuất của báo cáo bao gồm: 

- Một dự án điều tra quốc gia về các vấn đề đạo đức xoay quanh việc loại dữ liệu nào giao diện thần kinh được phép thu thập và đảm bảo an toàn cho chúng, cùng với tính hợp pháp/chấp thuận của việc kết hợp giữa máy móc và con người;

- Tạo ra một hệ sinh thái giao diện thần kinh để khuyến khích sự sáng tạo của ngành công nghiệp này và sự hợp tác của các trường đại học trong cùng lĩnh vực;

- Cơ quan quản lý dược và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ Anh quốc thử nghiệm các phương thức mới để giới thiệu các sản phẩm tương tự ra thị trường và ngăn chặn sự độc quyền của các tập đoàn công nghệ lớn. 

Theo uớc tính mỗi năm, tại Mỹ, khoảng 60.000 ca cấp ghép chíp kích thích tuỷ sống được thực hiện và trên thế giới xấp xỉ 400.000 người được hưởng lợi từ việc cấy ốc tai. 

Hiện có hàng ngàn bệnh nhân mắc chứng Parkinson và các bệnh tương tự đang được điều trị với phương pháp kích thích não bộ sâu. Tương tự như vậy, phương pháp điều trị bằng lá mía nhân tạo và công nghệ thăm dò tim không dây cũng ngày càng phổ biến.  

Ngọc Diệp (Theo BBC)