[In trang]
Phát triển ngành dệt may trong CMCN 4.0: “Không tự động hóa bằng mọi giá”
Thứ sáu, 06/09/2019 - 16:25
Tự động hóa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá” là một trong những định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tự động hóa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá” là một trong những định hướng phát triển của ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Thông tin được đưa ra tại hội thảo Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) tổ chức sáng ngày 6/9/2019. Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhiều Bộ, ban, ngành, chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo Ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức ngày 6/9/2019.

Ngành dệt may chịu nhiều tác động của CMCN 4.0

CMCN 4.0 đem đến nhiều lợi ích nhưng đồng thời cũng mang lại không ít áp lực cho toàn bộ ngành công nghiệp của nước ta, trong đó có ngành công nghiệp dệt may. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: “Ngành dệt may Việt Nam hiện nay sử dụng gần 3 triệu lao động, nếu tính cả lao động liên quan như logistic, hoạt động phụ trợ cho dệt may thì số lượng lao động lên tới 5 triệu người. Theo công bố của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) năm 2016, dự kiến trong những thập niên tới, 85% lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng, mất việc làm. Như vậy, sẽ có khoảng 3 - 3,5 triệu lao động của Việt Nam, chiếm 15% tổng lao động của cả nước sẽ thiếu việc làm, mất việc làm và không còn phù hợp với thị trường lao động”.

Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo khảo sát của VINATEX, hầu hết các doanh nghiệp dệt may của nước ta đều có nhận thức về lợi ích của CMCN 4.0. Tuy nhiên, trình độ nhân lực của các doanh nghiệp dệt may còn thấp, với 84,4% lao động có trình độ phổ thông trong khi lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 0,1%. Đây là một trong những hạn chế cho doanh nghiệp khi tiếp cận CMCN 4.0. Điều này cũng làm nảy sinh nhu cầu đào tạo lao động (gồm cán bộ quản lý cấp cao và cấp trung, cán bộ kỹ thuật, nhân lực vận hành) để đáp ứng yêu cầu của CMCN 4.0.

Báo cáo tại hội thảo, TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, ngành dệt may Việt Nam chịu nhiều tác động từ cuộc CMCN 4.0. Một trong số đó là tác động của xu hướng ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào ngành dệt may thế giới đến ngành dệt may trong nước.

Theo đó, xu thế sử dụng sản phẩm xanh, vật liệu nano, vật liệu có tính năng đặc biệt ngày càng phổ biến trên thế giới. Do đó, công nghệ sản xuất của ngành sợi, dệt, nhuộm phải đáp ứng xu thế này thì mới có đơn hàng. Bên cạnh đó là xu thế sử dụng thiết bị dệt may được số hóa, tự động hóa trong ngành dệt may, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất sợi, dệt, nhuộm và may sản phẩm cơ bản (nhà máy thông minh, in 3D, dệt 3D). Ngành dệt may nước ta sẽ phải theo xu thế này để kết ối minh bạch trong toàn bộ chuối cung ứng.

Lực lượng lao động ngành dệt may Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2030 cũng chịu tác động của cuộc CMCN 4.0. TS. Hoàng Xuân Hiệp cho biết, tổng mức giảm lao động dệt may dưới tác động của CMCN 4.0 là 316060 người, tương đương 21,06% trong khi tỷ lệ tăng lao động bình quân toàn ngành may là 4% và tỷ lệ tăng lao động bình quân toàn ngành sợi, dệt, nhuộm là 6%.

Về tác động của CMCN 4.0 lên chuỗi cung ứng dệt may, phương thức đặt hàng tự động (BOM) trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và robot sẽ được ứng dụng rộng rãi trong khâu kết nối doanh nghiệp với khách hàng. Thương mại điện tử cũng sẽ là kênh bán hàng được phát triển rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng trong ngành sợi, đặc biệt là khâu bán hàng. Còn trong logistric, việc quản lý các kho nguyên liệu sẽ được tự động hóa bằng cách công nghệ của công nghiệp 4.0 như công nghệ sử dụng RFID và mã QR.

“Không tự động hóa bằng mọi giá” 

Trình bày báo cáo tại hội thảo, TS. Hoàng Xuân Hiệp khẳng định mục tiêu phát triển của ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, trong giai đoạn 2020 – 2025, mục tiêu của ngành dệt may là tăng trưởng xuất khẩu từ 7 – 8%/năm và giai đoạn 2026 – 2030 là từ 5 – 6%.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành dệt may cần có những định hướng phù hợp trong bối cảnh CMCN 4.0, trong đó tập trung tự động hóa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp theo phương châm “không tự động hóa bằng mọi giá”. Đồng thời, chuẩn bị nguồn lực (con người, vốn, công nghệ số, nền tảng công nghệ thông tin) để có thể từng bước hiện đại hóa các khâu đã lựa chọn, phát triển công nghệ thân thiện môi trường.

“Ngành dệt may cũng cần thay đổi phương thức kinh doanh, đổi mới cách quản lý và chuyển dần sang xu hướng khai thác thị trường nội địa, chú ý khai thác thị trường handmade, phát triển chuối cung ứng hoàn chỉnh sợi – dệt – nhuộm – may. Ngoài ra, cần tập trung vào sản phẩm phức tạp, giá trị cao, tránh sản xuất các sản phẩm cơ bản và sản phẩm bằng vật liệu tự kết dính”, TS. Hiệp nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp phát triển ngành dệt may VN trong CMCN 4.0

Chi phí quá cao, thiếu kiến thức và thiếu nhân lực phù hợp là 3 yếu tố được TS. Hoàng Xuân Hiệp chỉ ra là những rào cản chính tác động đến việc ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào ngành dệt may của Việt Nam. Nhằm vượt qua được các rào cản này, đồng thời đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, 3 giải pháp đã được đưa ra để giúp ngành dệt may phát triển đúng như kỳ vọng.

Một là, từng bước đầu tư ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong ngành dệt may. Cụ thể, các doanh nghiệp ngành may nên đầu tư từng phần thiết bị sử dụng công nghệ số ở những khâu đơn giản, có tính lặp lại cao cho sản xuất các sản phẩm phức tạp, tính thời trang cao như áo jacket, veston, váy…Song song với đó cần đầu tư nền tảng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý nhà máy như ERP, PLM… tiến tới xây dựng nhà máy thông minh. Các doanh nghiệp ngành sợi, dệt, nhuộm chưa hết khấu hao thiết bị cũ có thể đầu tư các thiết bị thí nghiệm, thay thế dần các thiết bị số…

Hai là, đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may. Ngành dệt may cần phát triển các sản phẩm sợi nano, kháng khuẩn, chống cháy,…các phần mềm điều hành nhà máy dệt may hay phát triển các ứng dụng 3D trong thiết kếm cá nhân hóa sản phẩm,…

Ba là, giải pháp đào tạo nguồn nhân lực. Song song với việc nâng cấp kiến thức và kỹ năng của nhân lực ngành dệt may và sợi dệt, cần tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ứng dụng CMCN 4.0 vào ngành dệt may thông qua việc mở thêm các ngành đào tạo theo hướng liên ngành để tiếp cận công nghệ 4.0, đào tạo đội ngũ giảng viên về công nghệ 4.0, nhà máy dệt thông minh…

CMCN 4.0 có thể khiến tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm nhưng với ngành dệt may Việt Nam, nhân lực để tiếp cận CMCN 4.0 còn yếu, việc đầu tư để ứng dụng công nghệ 4.0 cần nguồn vốn lớn và mức độ công nghệ hiện tại của doanh nghiệp còn cách khá xa yêu cầu số hóa của công nghiệp 4.0. Do đó, việc đầu tư cho ngành dệt may theo hướng CMCN 4.0 cần được lựa chọn và tính toán hiệu quả đầu tư kỹ lưỡng, có như vậy thì ngành dệt may nước ta mới thực sự hưởng lợi từ cuộc CMCN 4.0.

Vụ Khoa học và Công nghệ