[In trang]
Hành lang pháp lý KHCN và đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện
Thứ sáu, 16/08/2019 - 08:25
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hành lang pháp lý về khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo ngày càng hoàn thiện.

Trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đến hết năm 2018, UBTVQH đã ban hành 4 nghị quyết về giám sát chuyên đề và 4 thông báo kết luận về chất vấn.

Liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề, cụ thể là: Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015-2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hành lang pháp lý về KHCN và đổi mới sáng tạo ngày càng được hoàn thiện. Kinh phí ngoài ngân sách đầu tư cho hoạt động KHCN có xu hướng tăng.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển nhanh. Hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phòng thí nghiệm và trang thiết bị nghiên cứu được nâng cấp, hiện đại hóa. Một số trường đại học, viện nghiên cứu theo mô hình tiên tiến, hiện đại được hình thành.

Việc triển khai các nhiệm vụ KHCN ngày càng minh bạch; thị trường công nghệ bước đầu phát huy vai trò cầu nối, gắn kết hoạt động KHCN với sản xuất, kinh doanh. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo đã dần phát huy tác dụng; hàm lượng KHCN trong các sản phẩm ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo tăng; nhiều sản phẩm, công nghệ mới được tạo ra; số lượng doanh nghiệp hoạt động hiệu quả ngày một tăng, năng lực thiết kế, chế tạo và sản xuất được cải thiện.

Tuy nhiên, sự liên kết giữa các tổ chức KHCN trong các ngành, lĩnh vực từ trung ương đến địa phương, giữa các tổ chức nghiên cứu, phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ.

Hoạt động của một số tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ KHCN chưa cao; thiếu cơ chế để xây dựng các tập thể khoa học mạnh, các viện nghiên cứu, trường đại học đẳng cấp quốc tế; cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu còn thiếu, chưa đồng bộ.

Hoạt động mua, bán công nghệ và chuyển giao kết quả nghiên cứu còn hạn chế. Năng lực tiếp thu, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp không cao. Nhiều nhà máy cơ khí vẫn sử dụng các máy móc lạc hậu. Việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI còn hạn chế.

Ngành cơ khí vẫn thiếu đồng bộ, tỷ lệ nội địa hóa thấp, phần lớn các vật tư nguyên liệu cho sản xuất cơ khí đều nhập khẩu. Năng lực về quản trị, điều hành của các doanh nghiệp cơ khí còn yếu. Nhân lực chất lượng cao, giàu kinh nghiệm hầu hết ở độ tuổi cao; chưa tạo được môi trường hấp dẫn thu hút đội ngũ tri thức, cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao ở nước ngoài tham gia nghiên cứu, hợp tác; đội ngũ công nhân chưa được đào tạo bài bản.

Nguồn: VietQ