[In trang]
Ngành Công Thương: đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ cao
Thứ năm, 15/08/2019 - 10:09
Trong giai đoạn 2015-2018, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định, phê duyệt 15 dự án phát triển công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và truyền thông và công nghệ tự động hóa. Những nhiệm vụ được phê duyệt trên cơ sở bám sát mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Trong giai đoạn 2015-2018, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định, phê duyệt 15 dự án phát triển công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và truyền thông và công nghệ tự động hóa. Những nhiệm vụ được phê duyệt trên cơ sở bám sát mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.

Có xu hướng gia tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỉ lệ tương đối

Kết quả nổi bật của Chương trình Công nghệ cao do Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 so với giai đoạn trước đó là huy động nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia thực hiện Chương trình tiếp tục có xu hướng gia tăng cả về giá trị tuyệt đối và tỉ lệ tương đối. Trong giai đoạn 2013-2015 tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt đạt khoảng 64.868,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 54% tổng nguồn vốn thực hiện. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách của các dự án được phê duyệt (tính cả số kinh phí dự kiến bố trí trong Kế hoạch năm 2019-2020) đạt 756.951 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 83,4% tổng nguồn vốn thực hiện.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 05 nhiệm vụ được nghiệm thu, sản phẩm của các dự án đều mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế-xã hội và khoa học công nghệ. các dự án công nghệ cao đã nghiệm thu đều mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp tham gia thực hiện, hiệu quả xã hội cho cộng đồng cũng như tạo tiền đề để tổ chức chủ trì tiếp tục phát triển công nghệ nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao. Có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu như:

Dự án "Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chuẩn đoán bệnh" do Công ty cổ phần công nghệ thông minh Ưu Việt chủ trì thực hiện. Sản phẩm hệ thống thiết bị của dự án đã được triển khai ứng dụng thực tế tại 03 Bệnh viện tham gia Chương trình (Bệnh viện Quận Thủ Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Medic Hòa Hảo). Theo đánh giá của các đơn vị này, sản phẩm của dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hỗ trợ đắc lực người dùng trong công tác thu thập, lưu trữ, khai thác hình ảnh phục vụ hội chẩn trực tuyến, chẩn đoán bệnh. Hiệu quả về mặt kinh tế của dự án là rất tốt, với việc huy động nguồn lực xã hội tham gia Chương trình (khoảng 20 tỷ đồng ngoài ngân sách nhà nước) nhưng đã tiết kiệm chi phí nhiều lần so với việc đầu tư một hệ thống chuyên dụng theo báo giá từ các hãng nước ngoài. Thành công của dự án là tiền đề, cơ sở để Công ty cổ phần công nghệ thông minh Ưu Việt (Công ty iNextTechnology) tiếp tục đầu tư triển khai phát triển công nghệ, mở rộng hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động khám chữa bệnh của ngành y tế.

Tiếp theo là Dự án "Phát triển dịch vụ ứng dụng công nghệ GPS trong quản lý, giám sát, điều phối và tối ưu hóa kế hoạch sử dụng phương tiện" do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì thực hiện, dự án đã được nghiệm thu và xếp loại "Xuất sắc". Các sản phẩm của dự án đã được đơn vị chủ trì và nhóm tác giả trực tiếp chuyển giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh đầu tư, thương mại hóa sản phẩm cho 14 hãng taxi triển khai ứng dụng trên 5000 xe trong 12 tháng. Hiệu quả của dự án đã được thể hiện trên các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế, xã hội: với vốn đầu tư đối ứng của doanh nghiệp tham gia dự án khoảng 9,6 tỷ đồng, doanh nghiệp đã có thể hoàn vốn trong 01 năm. Các sản phẩm công nghệ cao của dự án cũng góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trong nước trong dịch vụ taxi truyền thống với dịch vụ vận tải công nghệ Uber, Grab. Những kết quả của dự án còn tạo cơ sở phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực logistics và vận tải.

Còn với Dự án "Hoàn thiện dây chuyền sản xuất và nâng cao chất lượng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) phục vụ bảo quản nông sản, thực phẩm" do Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Dịch vụ Thương mại Lạc Trung chủ trì thực hiện, dự án đang trong giai đoạn nghiệm thu cấp nhà nước. Theo báo cáo và kết quả nghiệm thu cấp cơ sở, sản phẩm của dự án đã đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN12-1:2011/BYT, được đăng ký nhãn hiệu Green MAP và chất lượng tương đương với sản phẩm MAP-CE44 của Viện công nghệ thực phẩm Hàn Quốc với chỉ tiêu về thời gian bảo quản tăng gấp 4 lần so với các sản phẩm bao gói nông sản, thực phẩm thông thường đạt khoảng 30 ngày. Dự án cũng đã xây dựng được 05 mô hình với quy trình bảo quản sau thu hoạch, trong đó "Quy trình bảo quản quả vải bằng màng bao gói khí quyển biến đổi" đã được chấp nhận đơn hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế. Đơn vị chủ trì cũng đã tích cực tham gia giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội trợ về thiết bị công nghệ và hội trợ triển lãm nông nghiệp công nghệ cao. Dự án đã thương mại hóa được khoảng 50 tấn sản phẩm cho trên 10 doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thương phẩm các sản phẩm rau quả của Việt Nam.

Đánh giá về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và một số kiến nghị

Hiện nay, các hoạt động quản lý của Chương trình đều thực hiện theo Thông tư liên tịch số 219/2012/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Tính đồng bộ trong cơ chế, chính sách tài chính triển khai thực hiện Chương trình còn hạn chế. Ví dụ: Theo Điểm 4 Khoản III Điều 1 của Quyết định số 2457/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về phát triển công nghệ cao, theo đó “Chương trình hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay trong thời hạn 5 năm”. Hiện nay, Ngân hàng phát triển Việt Nam đã ký hợp đồng cho vay tín dụng đối với 02 dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao thuộc Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế, chính sách ưu đãi nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế ưu đãi này cho doanh nghiệp.

Ba mục tiêu của Chương trình Công nghệ cao do Bộ Công Thương triển khai giai đoạn 2016- 2018

1. Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo ra các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.

2. Nâng cao năng lực, hiệu quả, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao để đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản phẩm công nghệ cao thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước đồng thời đạt giá trị xuất khẩu khoảng 25% giá trị sản lượng.

3. Phát triển mạnh sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước trong các sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 50% về giá trị.

Vụ Khoa học và Công nghệ