[In trang]
Đầu tư công nghệ cao: "Chìa khóa" cho sản phẩm dệt may tăng tốc vào EU
Thứ tư, 14/08/2019 - 10:36
Trong ngành sản xuất, xuất khẩu dệt may của Việt Nam hiện nay, việc đầu tư công nghệ cao từ các nước Liên minh châu Âu (EU) được cho là một lợi thế giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh. Báo Công Thương đã trao đổi với ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean về kinh nghiệm trong việc đầu tư trên.

Trong ngành sản xuất, xuất khẩu dệt may của Việt Nam hiện nay, việc đầu tư công nghệ cao từ các nước Liên minh châu Âu (EU) được cho là một lợi thế giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh. Báo Công Thương đã trao đổi với ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean về kinh nghiệm trong việc đầu tư trên.

Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jean

Thưa ông, việc đầu tư công nghệ hiện đại từ EU của doanh nghiệp dệt may hiện vẫn đang gặp trở ngại lớn nhất về nguồn vốn. Với kinh nghiệm đầu tư của mình ông có chia sẻ nào cho các doanh nghiệp áp dụng?

Đúng là để áp dụng những công nghệ mới, hiện đại từ EU là khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các công nghệ này rất đắt tiền còn nguồn vốn của doanh nghiệp thì lại hạn chế. Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam thường có tài sản lớn nhất là đất đai nên họ có thể dùng tài sản này để thế chấp ngân hàng. Mặt khác phía đối tác EU sẽ sẵn sàng hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư công nghệ theo hình thức trả chậm trong vòng 1 - 3 năm. Nếu trả chậm 1 năm thì lãi suất hầu như không có còn trường hợp sau 1 năm thì lãi suất ở mức rất thấp, chỉ khoảng 0,5%/năm. Tôi cho rằng đây là một hướng mở rất thuận lợi và chúng tôi có thể đứng ra để giới thiệu cho doanh nghiệp nào của Việt Nam có nhu cầu đến các đối tác EU.

Vậy sản phẩm sản xuất ra từ những công nghệ hiện đại này có giá trị khác biệt như thế nào, thưa ông?

So với các sản phẩm truyền thống, chưa được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thì những sản phẩm được làm từ công nghệ của EU khách hàng rất khuyến khích và sẵn sàng chấp nhận giá cao hơn khoảng 30%. Không chỉ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm này còn có lợi thế cạnh tranh hơn khi xuất khẩu vào EU bởi các nước trong khối luôn ưu tiên nhập hàng dệt may có công nghệ và nguyên liệu xuất xứ gắn chứng nhận Eco.

Ông đánh giá như thế nào về lợi thế của Việt Thắng Jean khi áp dụng những công nghệ của EU vào sản xuất?

Thực tế thì chúng tôi đã áp dụng tự động hóa trong sản xuất dệt may từ những năm 1993. Năm 2002 – 2003 chúng tôi tiếp tục đầu tư công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vì giá thành công nghệ của EU quá đắt. Và phải đến năm 2005 chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư công nghệ EU và kể từ khi đó các nhãn hàng dệt may của Việt Thắng Jean có lợi thế hơn hẳn vì được nhà nhập khẩu của EU công nhận chất lượng. Hiện mỗi năm chúng tôi đang duy trì xuất khẩu qua EU khoảng 20 triệu USD. Đây vẫn là một con số khiêm tốn do hàng dệt may Việt Nam vẫn phải chịu sự cạnh tranh về thuế so với các nước khác như Ấn Độ, Bangladesh.

Để có kết quả này, tôi cho rằng máy móc chỉ là một phần, điều quan trọng là chủ doanh nghiệp phải có sự quyết đoán trong việc thay đổi để ứng dụng công nghệ vào những công đoạn khó, giảm sử dụng nhân công lao động, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Vì chỉ khi các doanh nghiệp Việt Nam thực sự nỗ lực cải tiến về công nghệ và triệt tiêu các nguyên liệu độc hại mới có thể tăng tốc vào EU.

Như ông chia sẻ thì hàng dệt may hiện đang phải cạnh tranh về thuế với các nước khác ở thị trường EU, vậy với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà Việt Nam mới ký kết gần đây sẽ tạo thuận lợi như thế nào cho ngành may nói chung và Việt Thắng Jean nói riêng?

Ở thời điểm hiện tại, các nước như Maylaysia, Bangladesh… đang có lợi thế hơn Việt Nam khi chịu thuế xuất khẩu vào thị trường EU chỉ khoảng 4 - 5%, trong khi hàng dệt may của Việt Nam vẫn đang chịu thuế 16%. Do đó khi EVFTA có hiệu lực sẽ giúp ngành dệt may có lợi thế cạnh tranh về thuế hơn nhiều so với trước đây. Riêng với Việt Thắng Jean chúng tôi dự kiến mức tăng trưởng sẽ ở mức khoảng 30% so với hiện tại.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương