[In trang]
Tái cơ cấu công nghệ, mấu chốt tăng trưởng của TKV
Thứ sáu, 02/08/2019 - 11:19
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những bước phát triển mang tính bứt phá mạnh mẽ. Sản lượng, năng suất tăng, thu nhập người lao động tăng, trong khi bộ máy được tinh gọn, tổng số lao động giảm. Đâu là giải pháp để TKV làm được điều đó? Câu trả lời khá đơn giản: TKV đã tái cơ cấu đúng hướng, mà điểm mấu chốt chính là ở quá trình tái cơ cấu công nghệ sản xuất một cách hiệu quả.

Vài năm trở lại đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có những bước phát triển mang tính bứt phá mạnh mẽ. Sản lượng, năng suất tăng, thu nhập người lao động tăng, trong khi bộ máy được tinh gọn, tổng số lao động giảm. Đâu là giải pháp để TKV làm được điều đó? Câu trả lời khá đơn giản: TKV đã tái cơ cấu đúng hướng, mà điểm mấu chốt chính là ở quá trình tái cơ cấu công nghệ sản xuất một cách hiệu quả.

 

Công ty than Cửa Ông (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) sàng tuyển, chế biến than.

Những con số ấn tượng

Tổng Giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, trong sáu tháng đầu năm nay, Tập đoàn đã hoàn thành 55 đến 57% kế hoạch năm. Tất cả các khối kinh doanh đều có lãi, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập tăng khoảng 6 đến 7% so năm 2018. Cùng với đó, các chỉ tiêu tài chính của TKV đạt tốt, việc triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020 được thực hiện quyết liệt, bám sát tiến độ. Đáng chú ý, trước áp lực nhu cầu than ngày một tăng cao, TKV đã chỉ đạo các công ty thành viên sản xuất ở nhịp độ cao, gia tăng cao nhất sản lượng than khai thác và huy động mọi nguồn lực để chế biến, pha trộn than đáp ứng kịp thời nhu cầu than cho các hộ tiêu thụ đã ký cam kết. Kết quả, sản lượng khai thác than của TKV đạt gần 22 triệu tấn, tiêu thụ 22,82 triệu tấn, tăng 4% so cùng kỳ. “TKV luôn ý thức cao trách nhiệm cung ứng than cho nền kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Riêng sản lượng than tiêu thụ hộ điện đạt gần 18,5 triệu tấn, tăng 16 % so cùng kỳ. Cũng trong thời gian này, TKV đã giao cho EVN 2,8 triệu tấn than pha trộn giữa than sản xuất trong nước và than nhập khẩu, đạt 58% kế hoạch”, Tổng Giám đốc Đặng Thanh Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh than, các lĩnh vực sản xuất điện, khoáng sản, vật liệu nổ công nghiệp của TKV đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 67.735 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch năm; lợi nhuận ước đạt 1.700 tỷ đồng, bằng 56% kế hoạch năm; nộp ngân sách 9.500 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ; tiền lương bình quân người lao động đạt 11,47 triệu đồng/tháng. Trong năm 2018 vừa qua, hệ số ROA (lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của Tập đoàn tiếp tục được cải thiện, kết quả kinh doanh đạt hiệu quả cao với mức lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.000 tỷ đồng. Hệ số nợ năm 2018 của Công ty mẹ và hợp nhất toàn Tập đoàn duy trì ở mức an toàn cao, chứng minh việc điều hành tài chính, kiểm soát công nợ của TKV ngày càng có hiệu quả, khả năng tự tài trợ đã tăng lên so trước đó. Theo đánh giá của lãnh đạo TKV, có được những kết quả đáng ghi nhận nêu trên là nhờ tổng hòa nhiều yếu tố như thị trường khoáng sản hồi phục trở lại sau giai đoạn suy thoái, sản lượng tiêu thụ cao; TKV sử dụng có hiệu quả các công cụ tài chính, người lao động nâng cao năng lực khai thác, năng suất lao động, tiết kiệm chi phí,… Trong đó, không thể không nói tới sự chủ động của TKV trong việc triển khai đề án tái cơ cấu, tinh gọn bộ máy, nhất là tái cơ cấu công nghệ một cách hiệu quả.

Động lực giúp TKV phát huy hiệu quả

Quá trình tái cơ cấu của TKV thật sự là động lực để các đơn vị phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tập đoàn đã xây dựng nghị quyết và chương trình hành động ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất, kinh doanh và quản lý để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động… hướng đến xây dựng các “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”. 5 năm trước, TKV có tổng số lao động gần 140 nghìn người, riêng lao động sản xuất than tại Quảng Ninh lên tới hơn 100 nghìn người, thì đến nay TKV rút xuống còn 98 nghìn lao động, bộ máy tổ chức từ Tập đoàn đến các đơn vị được tinh gọn hiệu quả, nhưng tổng sản lượng khai thác than vẫn được giữ vững với gần 40 triệu tấn/năm và nhiều sản phẩm khoáng sản, a-lu-min, vật liệu nổ công nghiệp, điện, cơ khí,… vẫn tăng trưởng; tổng giá trị doanh thu của TKV hiện nay đạt gần 130 nghìn tỷ đồng/năm.

Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Anh Tuấn nhận định, về tổ chức sản xuất, TKV đã chỉ đạo ba mỏ lộ thiên lớn gồm Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai có chung ranh giới mỏ triển khai trình tự bóc đất, khai thác hợp lý tạo ra các lợi ích chung; kết nối liên thông hàng loạt mỏ hầm lò, các khu vực khai thác đồng mức như khu vực Tân Dân, Hạ My (Hoành Bồ) với khu vực Đồng Vông (Uông Bí); khu vực Cái Đá với Bắc Bàng Danh (Hạ Long); khu vực Khe Chàm I - III và tới đây là Khe Chàm II - IV,... Quá trình kết nối sẽ giúp các đơn vị có thể ứng dụng công nghệ hiện đại và tiết giảm chi phí vận tải, thông gió, thoát nước,… tạo giá trị gia tăng lớn hơn trong cùng hệ thống. Về ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất hầm lò, TKV đã nâng số lò chợ áp dụng khấu than bằng máy com-bai ngày càng tăng, trong đó có lò chợ công suất cao nhất đạt 1,2 triệu tấn/năm tại Công ty than Hà Lầm, tương đương một mỏ than hầm lò quy mô hơn 2.000 lao động những năm trước đây. Các đơn vị khác như Vàng Danh, Nam Mẫu, Dương Huy cũng có những lò chợ khấu than bằng máy công suất 450 đến 600 nghìn tấn/năm. Các đơn vị đều đã áp dụng chống lò bằng cột thủy lực, giá khung di động, giàn chống tự hành hiện đại, an toàn, mở ra triển vọng về cơ giới hóa sử dụng ít lao động. Cách đây 5 năm, sản lượng than khai thác hầm lò bằng công nghệ cơ giới hóa của TKV chỉ ở mức 2%, đến nay đã đạt gần 13% trên tổng số sản lượng khai thác hằng năm và tiếp tục tăng cao, dự kiến năm nay đạt hơn 15%, sau năm 2020 sẽ tăng mỗi năm từ 3% đến 5%.

Trong khai thác lộ thiên, các đơn vị đã đưa vào vận tải đất đá bằng xe trọng tải lớn đến 135 tấn. Đặc biệt, Công ty than Cao Sơn đã tổ chức mô hình vận tải đất đá hỗn hợp giữa xe ô-tô và băng tải đá, hệ thống băng tải đá mỗi năm vận chuyển hơn 20 triệu mét khối đất đá, giảm chi phí đáng kể so các công nghệ cũ. Trong lĩnh vực tự động hóa, tin học hóa, các đơn vị đã ứng dụng nhiều công nghệ thay thế con người như hệ thống cấp phát quản lý nhiên liệu tự động; quản lý khí mỏ, hầm bơm nước tự động; hệ thống vận hành thiết bị băng tải, máy cào liên động; quan trắc môi trường tự động,... Có thể kể đến những công trình tự động hóa được đưa vào vận hành gần đây và tỷ lệ giảm nhân lực vận hành để thấy hiệu quả của chủ trương nêu trên, như hệ thống băng tải giếng chính Mạo Khê giúp giảm 70% số nhân lực vận hành; hệ thống tự động hóa trạm quạt gió Công ty than Núi Béo (giảm 50% số nhân lực); tự động hóa tuyến băng tải lò XV mức âm 300 m Than Hà Lầm (giảm 40%); tự động hóa tuyến băng tải giếng chính Khe Chàm (giảm 50%),… Quan trọng hơn, việc không ngừng đầu tư công nghệ tiên tiến đã giúp TKV nâng cao trình độ nhân lực vận hành, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Minh Nghĩa