[In trang]
Giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp nhựa tại Việt Nam
Thứ sáu, 12/07/2019 - 09:15
Hiện nay, ngành công nghiệp nhựa đang gia tăng về sản lượng sản xuất, và kéo theo các hệ lụy ô nhiễm môi trường rất lớn, vì vậy cần có giải pháp sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện môi trường.

Hiện nay, ngành công nghiệp nhựa đang gia tăng về sản lượng sản xuất, và kéo theo các hệ lụy ô nhiễm môi trường rất lớn, vì vậy cần có giải pháp sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện môi trường.

Theo Hội đồng châu Âu, ước tính có hơn 46.000 vật phẩm rác thải nhựa đang trôi nổi trên mỗi dặm vuông biển của thế giới.

Báo động rác thải nhựa

Trong thời gian gần đây vấn đề nóng nhất trên tất cả các diễn đàn là vấn đề rác thải, đặc biệt là vấn đề rác thải nhựa. Theo ông Hoàng Văn Thức Phó Tổng cục trưởng Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), các sản phẩm từ nhựa và ni-lông ra đời đã mang lại không ít tiện ích cho đời sống con người, thế nhưng, việc sử dụng những sản phẩm này đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường, sức khỏe con người và hệ sinh vật.

Ðáng lo ngại, các sản phẩm từ nhựa và ni-lông phải mất hàng trăm năm, thậm chí đến cả nghìn năm mới bị phân hủy. Trong thời gian đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động vật, thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường.

Ngoài ra, chất thải nhựa và ni-lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải có chứa đi-ô-xin và Furan, là những chất kịch độc, tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Dự báo của các nhà khoa học cho thấy, khối lượng rác nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá, khi đó biến đại dương thành bãi rác khổng lồ của thế giới. Phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, các chất thải từ nhựa và nilon mới bị phân hủy. Trong hàng trăm năm đó, chúng cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật, làm tắc nghẽn hệ thống hạ tầng phục vụ dân sinh, thu hẹp không gian sống của sinh vật và gây độc cho môi trường.

Đáng lo ngại hơn nữa là các loài động vật biển nuốt phải rác nhựa và hấp thụ các chất độc trên bề mặt nhựa, rất dễ chuyển hóa thành các chất độc hại thông qua chuỗi thức ăn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu ăn phải. Thậm chí, chúng có thể làm tăng nguy cơ gây dị tật bẩm sinh và rủi ro bệnh tật.

Theo Hội đồng châu Âu, ước tính có hơn 46.000 vật phẩm rác thải nhựa đang trôi nổi trên mỗi dặm vuông biển của thế giới. Các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và các dụng cụ đánh bắt cá bằng nhựa chiếm 70% lượng rác thải ở các đại dương. Hiện nay, chỉ có 14% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu được tái chế và cần hàng trăm năm để các chai nhựa phân hủy hoàn toàn.

Theo kết quả đánh giá của Cơ quan Bảo vệ đại dương Mỹ, có hơn một nửa số rác thải nhựa đến từ 5 quốc gia châu Á, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%, tiếp đến là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka.Như vậy, Việt Nam là nước có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều thứ 4 trên thế giới với khối lượng rác thải nhựa thải ra biển dao động trong khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới.

Giải pháp phát triển bền vững

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có nói đến phương châm: nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa một lần.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhận định, về mặt xu hướng lâu dài ngành nhựa phải có giải pháp để phát triển bền vững, nhưng cần phải có thời gian và lộ trình

Ông Nguyễn Hoàng Ngân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam nhận định, về mặt xu hướng lâu dài ngành nhựa phải có giải pháp cụ thể để phát triển bền vững, nhưng cần phải có thời gian và lộ trình. Trên thế giới, lộ trình giải quyết của các nước rất khác nhau đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu họ có điều kiện để giải quyết vấn đề này sớm hơn, và một số các nước ở Châu Á cũng như trong khu vực có nền kinh tế phát triển họ đã xử lý vấn đề này trước. Việt Nam đi sau và vấn đề lớn nhất hiện nay của Việt Nam là các doanh nghiệp, công ty, phương tiện và điều kiện xử lý rác thải nhựa hiện nay đang khá thấp so với thế giới.

“Giải pháp cấp bách nhất hiện nay là phải giảm các phát sinh ra rác thải nhựa, đây cũng là xu hướng đúng hiện nay. Thứ hai là Việt Nam phải phát triển ngành công nghiệp tái chế để xử lý các vấn đề rác thải nhựa, mà chắc chắn là nó sẽ tồn tại trong một số năm. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất các sản phẩm nhựa phải có sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và Việt Nam về môi trường. Việc sản xuất các sản phẩm nhựa, phải được phát triển về công nghệ và đảm bảo các yếu tố về môi trường cũng như các yếu tố xử lý sau khi sử dụng, đơn cử như sử dụng các chất phụ gia thân thiện với môi trường”, ông Ngân nhấn mạnh.

Theo ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc hạn chế chất thải từ nhựa, nilông đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, bắt đầu từ việc giảm dần tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý, kiểm soát loại chất thải nhựa. Có cơ chế chính sách về công cụ thuế nhằm hạn chế sử dụng loại túi nilông sử dụng một lần, cũng như khuyến khích sản xuất loại túi nilông thân thiện với môi trường và các sản phẩm ưu việt khác để thay thế. Tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm rác thải nhựa vào môi trường tự nhiên.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân cho biết thêm, phải truyền thông mạnh mẽ về ý thức sử dụng của mỗi người, phải tuyên truyền, vận động cả xã hội, vận động tới từng cá nhân hãy hạn chế tối đa việc sử dụng và thải chất thải nhựa một cách bừa bãi ra môi trường. Còn từ từ chúng ta sẽ có những lộ trình để hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như hướng tới sử dụng các sản phẩm nhựa tự phân huỷ, nhựa sinh học,... cùng với đó là việc đẩy mạnh các quá trình tái chế ở Việt Nam để ngành công nghiệp nhựa thực sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Dương Thành - Bảo Loan