[In trang]
Công nghiệp sản xuất và cơ khí chế tạo Việt Nam: Mạnh dạn tìm kiếm sự thay đổi
Thứ hai, 08/07/2019 - 11:59
Mặc dù đang ở giai đoạn khởi động và gặp nhiều hạn chế về công nghệ, thông tin, kỹ năng và cơ sở hạ tầng, ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí Việt Nam mạnh dạn tìm kiếm sự thay đổi để tham gia vào chuỗi sản xuất giá trị lớn.

Ngành công nghiệp sản xuất và cơ khí có hiều tiềm năng lớn mạnh 

Theo dự báo của các chuyên gia, mặc dù trình độ sản xuất của ngành công nghiệp Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn khởi động và gặp nhiều hạn chế về các công nghệ, thông tin, kỹ năng và cơ sở hạ tầng nhưng ngành hàng này sẽ dẫn đầu tăng trưởng GDP trong thời gian tới nhờ nguồn vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong thời gian tới.

Cụ thể, ông Hirai Shin Ji, Phó chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. HCM, chia sẻ ở lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp Nhật Bản có lợi thế về thiết bị, máy móc gia tăng năng suất, giảm thiểu chi phí... hướng đến công nghệ sản xuất hiện đại.

Điểm đáng chú ý là vốn FDI từ Nhật Bản vào lĩnh vực này tại Việt Nam gia tăng đáng kể qua từng năm.

MTA Vietnam 2019

"Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao thị trường Việt Nam và nỗ lực tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp nội địa", ông nhấn mạnh.

Không chỉ là thị trường lý tưởng của doanh nghiệp Nhật Bản, hiện tại Việt Nam là điểm đến đầu tư thứ 2 của Đài Loan, với khoảng 4.600 doanh nghiệp Đài Loan hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. 

“Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam được dự báo có nhiều tiềm năng phát triển lớn mạnh để tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị lớn của nền công nghiệp thế giới trong thời kì 4.0", bà Karen Pai, Phó giám đốc Phòng phát triển ngành, Hiệp hội xúc tiến thương mại Đài Loan (TAITRA) nhấn mạnh.

Bà Karen Pai cho biết thêm: "Năm 2018, tổng xuất khẩu máy công cụ Đài Loan sang Việt Nam lên gần 122 triệu USD, cao hơn năm 2017 khoảng 15 triệu USD và đạt mức kỉ lục từ trước đến nay. Đặc biệt trong 5 tháng đầu năm 2019 tốc độ tăng trưởng đạt 54%. Đài Loan trở thành nhà cung cấp lớn thứ 4 cho Việt Nam, hiện tại các sản phẩm chính xuất khẩu cho Việt Nam là các trung tâm gia công, máy công cụ tạo hình kim loại, máy tiện và máy mài…".

Cần mạnh dạn đổi mới công nghệ

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và toàn cầu hóa hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy mọi lợi thế để tận dụng cơ hội phát triển, từ đó thúc đẩy phát triển ngành cơ khí và chế tạo Việt Nam. 

"Chúng ta cần chủ động nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực và thợ cơ khí lành nghề, sản xuất ra các dòng máy hiện đại, đặc biệt là ứng dụng các công nghệ mới cho sản xuất, kể cả trí tuệ nhân tạo trong thiết kế, các sản phẩm về cơ khí. Nếu các doanh nghiệp trong lĩnh vực này biết tận dụng các cơ hội và được tạo điều kiện để phát triển thì vẫn có nhiều tiềm năng lớn mạnh và tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị lớn của nền công nghiệp thế giới", đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh.

MTA Vietnam 2019

Nhiều ý kiến cho rằng bản thân các nhà sản xuất nên mạnh dạn đổi mới công nghệ và không thể thiếu sự hợp tác chặt chẽ với nhau để tối đa hóa hiệu quả. Trong đó triển lãm MTA Vietnam 2019 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam xây dựng và đưa ra chính sách phát triển công nghiệp cơ khí mang tính khả thi trong thời kì công nghiệp mới.

Ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa cho hay, Triển lãm quốc tế lần thứ 17 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại tại Việt Nam (MTA Vietnam 2019) là một trong những hoạt động triển lãm, xúc tiến thường niên hiệu quả, đã xây dựng được thương hiệu uy tín đối với cộng đồng quốc tế. 

"MTA Vietnam luôn đạt tăng trưởng quy mô hàng năm, cụ thể năm 2019 so với năm 2018 là tăng trưởng 11%. Hơn 80% đơn vị tham gia MTA Vietnam 2019 đến từ nước ngoài, trong đó có 40% là nhà cung cấp công nghệ, máy móc, thiết bị công nghiệp nhỏ và vừa", ông BT Tee cho hay. 

Điểm nhấn mới mẻ của MTA Vietnam năm nay chính là gian hàng giới thiệu các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ 4.0 dựa trên tiêu chí "9 trụ cột công nghệ tạo nên nền tàng cho nền công nghiệp 4.0" gồm: dữ liệu lớn và phân tích dự liệu lớn; robots tự động hóa; mô phỏng, tích hợp hệ thống ngang và dọc; công nghệ vạn vật kết nối (IOT); an ninh mạng; đám mây; sản xuất bồi đắp và tăng cường tính thực tế.

Mạnh Hà