[In trang]
Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Thứ tư, 03/07/2019 - 09:01
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam được đánh giá là có nhiều ưu thế để thúc đẩy nền kinh tế bằng khoa học và công nghệ (KH và CN). Tuy nhiên để tận dụng các ưu thế, cần có các giải pháp đầu tư cho KH và CN, tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề về đổi mới công nghệ.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam được đánh giá là có nhiều ưu thế để thúc đẩy nền kinh tế bằng khoa học và công nghệ (KH và CN). Tuy nhiên để tận dụng các ưu thế, cần có các giải pháp đầu tư cho KH và CN, tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề về đổi mới công nghệ.

Năm 2017, Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu; đến năm 2018, Việt Nam tiếp tục tăng hai bậc, vươn lên xếp thứ 45 trong số 126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Việc tăng các chỉ số ĐMST có sự đóng góp của KH và CN. Theo Bộ KH và CN, hiện nay, Việt Nam cần hướng vào chiến lược ĐMST, phát triển KH và CN. Thời gian qua, cơ chế, chính sách về KH và CN đã được tập trung hoàn thiện, với nhiều quy định tiến bộ, coi KH và CN là động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực. Hệ thống ĐMST quốc gia được hình thành, trong đó doanh nghiệp là trung tâm để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực như: nông nghiệp, công nghiệp, tài chính - ngân hàng, xây dựng, giao thông, y tế, an ninh quốc phòng… đều có sự đóng góp của KH và CN. Tuy vậy, để KH và CN thật sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, ngoài việc hoàn thiện thể chế pháp luật, cần nâng cao nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp, tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp.

Ý kiến từ các chuyên gia cho thấy, lực lượng doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là thành tố quan trọng cho thành công của nền kinh tế, góp phần đưa KH và CN và ĐMST trở thành trụ cột quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trẻ phát triển, có cơ hội giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ và đưa ra những sáng kiến xây dựng chính sách. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc ứng dụng giải pháp kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh. Hiện nay, mỗi doanh nghiệp làm ra một sản phẩm, giá trị sẽ được chia ba phần, cho nhà đầu tư tài chính, người có công cụ sản xuất và người lao động. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ở một số ngành, công cụ sản xuất sẽ ngày càng chiếm nhiều giá trị do được tự động hóa, thông minh hóa bằng trí tuệ nhân tạo, rô-bốt. Công cụ sản xuất sẽ chiếm 70% giá trị sản phẩm và người lao động, nhà đầu tư chỉ còn hưởng 30% giá trị. Đây là lời cảnh tỉnh đối với các doanh nghiệp đang sử dụng nhiều lao động.

Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang còn yếu, thiếu vốn và kinh nghiệm để có thể bắt kịp ĐMST, ứng dụng công nghệ mới trên thế giới vào sản xuất. Doanh nghiệp có thể “đi tắt, đón đầu” bằng cách mua công nghệ nước ngoài và từng bước làm chủ công nghệ. Thế nhưng, để mua các giải pháp nước ngoài về ứng dụng trong sản xuất thì nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực thực hiện lâu dài. Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ DTT Nguyễn Thế Trung cho biết, cần hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST để có thể kết nối những doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ và những đơn vị có thể hỗ trợ đưa ra các giải pháp. Đây là giải pháp bền vững vì lực lượng làm KH và CN ngày càng giỏi và chi phí mua công nghệ tại chỗ bao giờ cũng rẻ hơn chi phí mua từ ở nước ngoài. Điều này cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước đối với những đơn vị nghiên cứu, cung cấp các giải pháp để họ có cơ hội được tiếp cận, tham gia cung cấp các giải pháp về công nghệ. Qua đó, xây dựng được đội ngũ nhà khoa học, phát triển các lĩnh vực nghiên cứu thiết thực để cung cấp những giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp sản xuất bền vững.

Nhật Minh