[In trang]
Kỳ vọng FDI công nghệ cao
Thứ ba, 25/06/2019 - 14:04
Mặc dù chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, song thực tế, dòng vốn FDI công nghệ cao đã dần được định hình và ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tìm đến Việt Nam.

Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong khu vực về thu hút FDI. Tuy nhiên, con số 100 doanh nghiệp trong top 500 của thế giới đầu tư vào Việt Nam được đánh giá là vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Vì vậy, khi xây dựng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, một trong những ưu tiên hàng đầu là thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn. Tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây, hai tập đoàn lớn là Samsung và CapitaLand đều chia sẻ về những dự định đầu tư lớn tại Việt Nam. Đó là việc triển khai kế hoạch xây dựng tòa nhà Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung tại Việt Nam. Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam - cho biết, hiện Samsung Việt Nam đã tiến hành các thủ tục cần thiết để xây dựng trung tâm tại Hà Nội và khi đi vào hoạt động, trung tâm có quy mô tới 3.000 người, sẽ là cơ sở R&D lớn nhất tại Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia kinh tế, R&D là lĩnh vực mà Việt Nam đã chờ đợi từ lâu. Với việc thu hút các dự án R&D, đồng nghĩa Việt Nam đã chạm tới cái gốc của thu hút đầu tư vào công nghệ cao. Hiện nay, số vốn mà Samsung đầu tư tại Việt Nam đã lên tới gần 17,4 tỷ USD. Trên thực tế, Samsung từ lâu đã có một đại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, nếu chỉ cần thêm Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 3 được cấp chứng nhận đầu tư, thì con số 20 tỷ USD hoàn toàn có thể chạm ngưỡng. Ngoài ra, “Tập đoàn cũng đã mời gọi một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn đầu tư vào tỉnh Bắc Giang với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD” - ông Choi Joo Ho thông tin thêm.

Trong khi đó, về phía Tập đoàn CapitaLand, Chủ tịch Ng Kee Choe cho biết, CapitaLand sẽ đưa hàm lượng công nghệ cao vào các dự án đầu tư tại Việt Nam. Cụ thể, tập đoàn sẽ đầu tư vào các dự án thành phố thông minh và xem xét đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Đây cũng chính là lĩnh vực mà Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư trong thời đại 4.0.

Không chỉ Samsung hay CapitaLand, còn nhiều tập đoàn lớn khác đang muốn đầu tư và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn, Formosa nâng vốn đầu tư tổ hợp sản xuất thép tại Hà Tĩnh lên 12,78 tỷ USD. Tập đoàn Mekong châu Âu BV (MCE - Hà Lan) muốn đầu tư khoảng 250 triệu cho phát triển hạt điều tại Bình Phước. Trong khi đó, Enterprize Energy (EE) cùng các đối tác đang chuẩn bị khảo sát dự án Điện gió ThangLong Wind ở ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận). Nếu được triển khai, thì với công suất 3.400 MW, đây sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi có quy mô hàng đầu thế giới hiện nay. Dự án có tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD và năng lượng tái tạo cũng chính là lĩnh vực mà Việt Nam muốn thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.

Thu hút đầu tư của các tập đoàn lớn, công nghệ cao chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu gia tăng kết nối, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, tạo sức lan tỏa tới nền kinh tế.

Nguồn: Báo Công Thương