[In trang]
Gazprom làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp 340 MW ở Quảng Trị
Thứ ba, 25/06/2019 - 11:41
Công ty Gazprom EP International B.V (Liên Bang Nga) vừa được Thủ tướng chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc làm chủ đầu tư Dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Quảng trị với công suất 340 MW.

Công ty Gazprom EP International B.V (Liên Bang Nga) vừa được Thủ tướng chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc làm chủ đầu tư Dự án nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp Quảng trị với công suất 340 MW.

Theo nội dung văn bản, Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo, xem xét giải quyết đề nghị của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, thực hiện thăm dò trữ lượng khí tại 2 mỏ Báo Vàng, Báo Đen, Gazprom nhận thấy tổng trữ lượng ở 2 mỏ lên đến 57,88 tỷ m3, riêng các lô từ 111-113 có trữ lượng khoảng 1,5 tỷ m3. Trên cơ sở đó, Gazprom quyết định đầu tư 1.321 tỷ USD để xây dựng giàn khoan, đường ống dẫn dầu vào đất liền lấy từ các lô 111-113 với sản lượng khí khai thác 500 triệu m3/năm. Tuy nhiên sau đó, do chi phí đầu tư khá cao nên Gazprom quyết định chuyển hướng sang xây dựng nhà máy điện, chuyển từ bán khí sang bán điện. Nhà máy điện, lấy khí từ mỏ Báo Vàng, có công suất 340 MW, thời gian khai thác 14 năm.

Hoan nghênh dự án điện khí tại Quảng Trị, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, khẳng định điện khí và khí hỏa lỏng là lựa chọn tốt hơn cả cho Việt Nam tại thời điểm này. 

Cụ thể, Việt Nam đã cùng hơn 170 quốc gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, trong đó cam kết giảm tỷ lệ phát thải khí CO2, khí nhà kính. Điều đó có nghĩa Việt Nam phải giảm nhiệt điện than và tìm nguồn khác để thay thế. Khi nhiệt điện than không còn là xu hướng phát triển ưu tiên, một trong những nguồn có thể thay thế là năng lượng tái tạo. 

Khẳng định đây là xu hướng tốt nhưng TS Ngô Đức Lâm cho rằng phát triển điện gió, điện mặt trời không đơn giản: "Chúng ta có khả năng làm điện gió, điện mặt trời nhưng để vận hành ổn định, tin cậy đối với hệ thống điện, không gây sự cố thì cần có thời gian kiểm nghiệm". 

Trong khi đó, ưu điểm của điện khí và khí hóa lỏng là thời gian xây dựng nhà máy nhanh hơn, diện tích đất yêu cầu nhỏ hơn, không gây ô nhiễm không khí nhiều, nguồn cung khí/ khí hóa lỏng ngày càng phong phú hơn dù giá thành có thể cao hơn.  

Lê Minh