[In trang]
Xử lý chất thải rắn chứa phospho của ngành CN chế biến sâu quặng apatit thành sản phẩm có giá trị
Thứ ba, 25/06/2019 - 10:06
Ngày 19/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra định kỳ dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn chứa phospho của ngành công nghiệp chế biến sâu quặng apatit thành sản phẩm có giá trị, quy mô 10.000 tấn/năm”, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2017-2020.

Ngày 19/6/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra định kỳ dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn chứa phospho của ngành công nghiệp chế biến sâu quặng apatit thành sản phẩm có giá trị, quy mô 10.000 tấn/năm”. Đây là dự án thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ giai đoạn 2017-2020: “Nghiên cứu phát triển công nghệ, thiết bị và vật liệu phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường”do Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu thực hiện. Tham dự đoàn kiểm tra có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, đại diện Phòng tài chính – kế toán của Bộ Công Thương, chuyên gia tư vấn và đơn vị thực hiện dự án. 

TS. Nguyễn Huy Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Buổi kiểm tra định kỳ nhằm rà soát lại tiến độ thực hiện các nội dung của dự án theo thuyết minh đã được phê duyệt và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, giải quyết vấn đề còn tồn tại trong công tác giải ngân dự án”.

Đoàn công tác làm việc với Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu

Dự án “Hoàn thiện công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn chứa phospho của ngành công nghiệp chế biến sâu quặng apatit thành sản phẩm có giá trị, quy mô 10.000 tấn/năm” được thực hiện từ 01/2018 đến 06/2020 với tổng kinh phí 12,6 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ Ngân sách Nhà nước là 3,77 tỷ đồng và kinh phí đối ứng huy động là 8,83 tỷ đồng. 

Theo TS. Đỗ Thanh Hải - Chủ nhiệm nhiệm vụ, trong quá trình thực hiện dự án, Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc, hóa dầu đã phối hợp với Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm (Lào Cai) và Công ty Xây dựng thương mại khoa học và công nghệ PI Việt Nam (Hà Nội) để triển khai và ứng dụng công nghệ.

Dự án hướng đến mục tiêu không phát sinh ra các nguồn ô nhiễm thứ cấp, đồng thời hoàn thiện công nghệ và thiết bị xử lý chất thải rắn của ngành công nghiệp chế biến sâu quặng apatit. Dự án sau khi hoàn thiện có thể được nhân rộng công nghệ, công suất để tăng sản lượng lên đến 30.000 tấn/năm, giúp tiêu thụ hết lân trắng từ quá trình sản xuất DCP (Dicalcium Phosphate - muối canxi của axit phosphoric dùng bổ sung vào khẩu phần ăn của vật nuôi để cung cấp canxi, phốt pho) ở Việt Nam, giảm tồn lưu chất thải rắn tại các nhà máy DCP hiện nay. 

Sau khi nghiên cứu tổng quan tài liệu xây dựng phương án, tiến độ thực hiện, dự án đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến chất thải rắn chứa phospho thành sản phẩm phù hợp làm phân bón ở quy mô trong phòng thí nghiệm. 

Cụ thể, dự án đã nghiên cứu hoàn thiện quá trình lựa chọn tác chất chống vón cục và tác chất trung hòa axit dư phù hợp để triển khai sản xuất với quy mô 10.000 tấn/năm. Gypsum và quặng apatit loại I vụn được dự án lựa chọn làm tác nhân chống vón cục. Quặng apatit loại II được lựa chọn làm tác chất trung hòa axit dư. 

Sau khi lựa chọn được các tác chất, dự án đã phối hợp các thành phần nguyên liệu nhằm đạt hiệu quả cao nhất trước khi đưa vào sản xuất. Dự án đã lựa chọn 02 công thức hỗn hợp: (1) 60% lân trắng, 10% gypsum, phần còn lại có thể lựa chọn giữa 3 loại quặng apatit loại I, II, III hoặc hỗn hợp của 3 loại quặng này và (2) 70% lân trắng, 30% còn lại có thể lựa chọn giữa 3 loại quặng apatit loại I, II, III hoặc hỗn hợp của 3 loại quặng này. 

TS. Đỗ Thanh Hải cho biết thêm, do nguồn nguyên liệu quặng khác nhau và giá thành quặng cũng khác nhau theo từng thời điểm sản xuất, dự án đưa ra 2 công thức với một khoảng linh hoạt cho các nguồn nguyên lại còn lại để giúp nhà máy chế biến có thể tối ưu hóa được chi phí sản xuất. Dự kiến tháng 8, 9 sẽ sản xuất thử nghiệm sản phẩm với quy mô lớn.

Kết luận tại buổi kiểm tra, TS. Nguyễn Huy Hoàn đánh giá về số lượng, dự án đã thực hiện đúng các nội dung như đã đăng ký trong hợp đồng và thuyết minh dự án. Về tiến độ thực hiện, dự án đã hoàn thành các nội dung theo tiến độ đăng ký. Về chất lượng, các kết quả nghiên cứu đã thực hiện đạt yêu cầu. TS. Nguyễn Huy Hoàn đề nghị nhóm thực hiện chế độ báo cáo định kỳ gửi Bộ Công Thương theo đúng quy định. 

Vụ Khoa học và Công nghệ