[In trang]
Xử lý tro xỉ nhiệt điện thành vật liệu xây dựng
Thứ ba, 25/06/2019 - 10:01
TS. Nguyễn Huy Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra định kỳ đề tài “Nghiên cứu xử lý tro xỉ nhiệt điện sử dụng chất kết dính vô cơ không sử dụng xi măng thành vật liệu ứng dụng trong xây dựng, giao thông hoặc san lấp công trình”, do Trường Đại học Khoa học và Tự nhiên - Đại học Quốc gia thực hiện.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Huy Hoàn – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn đã thực hiện kiểm tra định kỳ đề tài “Nghiên cứu xử lý tro xỉ nhiệt điện sử dụng chất kết dính vô cơ không sử dụng xi măng thành vật liệu ứng dụng trong xây dựng, giao thông hoặc san lấp công trình”. Đề tài do Trường Đại học Khoa học và Tự nhiên - Đại học Quốc gia thực hiện từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2019.

Cả nước hiện có 22 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động. Dự kiến đến năm 2020 sẽ có thêm 12 dự án nhiệt điện than đi vào hoạt động, thải ra khoảng 22,6 triệu tấn tro, xỉ, thạch cao mỗi năm. Việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện còn gặp nhiều khó khăn như: phải tuyển nổi để loại bỏ than dư xuống dưới 5%; vận chuyển xỉ than; vật liệu xây dựng từ xỉ than giá thành còn cao khi luôn phải kết hợp cùng với xi măng.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương kiểm tra định kỳ thực hiện nhiệm vụ KHCN tại Trường ĐH Khoa học và Tự nhiên

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn – Chủ nhiệm đề tài, để xử lý triệt để tro xỉ nhiệt điện cần phải có giải pháp đơn giản hơn, giá thành rẻ hơn, không cần tuyển nổi để loại than dư dưới 5% và không cần sử dụng xi măng làm tác nhân hóa rắn. 

Qua quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu  sử dụng công nghệ sử dụng chất kết dính vô cơ. Quá trình này không qua thiêu kết sử dụng các chất kết dính vô cơ điều chế từ các khoáng chất có sẵn trong tự nhiên chứa Si, Al, Fe, Mg…trong môi trường có độ kiềm khác nhau. Các chất kết dính này cứng hóa các vật liệu bở rời theo cơ chế kết dính và bao bọc các hạt vật liệu với nhau trong điều kiện không nước (khô) bằng các liên kết phân tử. 

Từ công nghệ trên, nhóm nghiên cứu đã sản xuất các loại vật liệu bao gồm: gạch không nung, bê tông lót nền đường.  

“Vật liệu mới tạo thành rất rắn chắc và bền vững theo thời gian. Đây là điểm đột phá về công nghệ và cũng là mục tiêu nghiên cứu của đề tài”, PGS.TS Trần Hồng Công nhấn mạnh.

Các sản phẩm của đề tài được sản xuất và ứng dụng thử nghiệm tại cụm công nghiệp thị trấn Chúc Sơn, Giáp Ngọ, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Qua kiểm tra thực tế, đối với sản phẩm gạch không nung, đoàn công tác đánh giá sản phẩm gạch có độ bóng khá đẹp, kết cấu chắc chắn, khi cầm lên và thả rơi tự do không bị vỡ. Đối với sản phẩm bê tông lót nền đường, độ dày lớp bê tông đạt yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn hiện hành.

Sản phẩm gạch không nung 

Lu đầm chặt và hoàn thiện 30m2 lớp lót nền đường thử nghiệm tại cụm công nghiệp thị trấn Chúc Sơn, Giáp Ngọ, huyện Chương Mỹ (Hà Nội)

PGS.TS Trần Hồng Côn cho biết thêm: “Nhằm đánh giá chính xác hơn về chất lượng của sản phẩm gạch không nung, chúng tôi đã gửi 200 viên gạch không nung được sản xuất để kiểm tra độ bắt dính của gạch với vữa xây trát. Hiện chúng tôi đang chờ phản hồi và sẽ báo cáo kết quả với Bộ Công Thương”.

Bên cạnh những kết quả trên, nhóm thực hiện cũng đã hoàn thành một số sản phẩm khác như: bê tông polyme từ tro, xỉ nhiễm mặn với nồng độ muối đến 2,5% với chất kết dính cao lanh – kiềm, bê tông polyme từ tro, xỉ nhiệt điện có lẫn 15% thạch cao với chất kết dính cao lanh – kiềm, đăng ký 01 sở hữu trí tuệ, đào tạo 01 thạc sĩ, 02 bài đăng trên tạp chí khoa học. 

Vụ Khoa học và Công nghệ