[In trang]
Ứng dụng KH&CN phát triển bền vững kinh tế biển Nam Trung bộ
Thứ hai, 24/06/2019 - 11:31
Kinh tế biển, dù có tiềm năng rất lớn, nhưng vẫn chưa tạo được đà phát triển cho Vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Trong khi đó, việc khai thác tài nguyên biển thiếu kiểm soát đang dẫn tới nhiều mối đe dọa nghiêm trọng về môi sinh, môi trường.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển Vùng duyên hải Nam Trung Bộ  do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Đà Nẵng ngày 20-6 đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển trong Vùng.

Thực trạng phát triển kinh tế biển 

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, Vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh đều có biển, chiếm hơn 13% diện tích và 10,5% dân số cả nước. Vùng biển Nam Trung Bộ rộng lớn, giàu tiềm năng để phát triển kinh tế. Trong những năm qua, quy mô kinh tế biển của các địa phương trong Vùng đã thay đổi rõ rệt. Năm 2018, xuất khẩu thủy sản của Đà Nẵng đạt gần 200 triệu USD; xuất khẩu cá ngừ đại dương của Vùng đạt khoảng 675 triệu USD. Về du lịch, năm 2017 tổng lượng khách quốc tế đến Vùng đạt 6,5 triệu lượt người, khách nội địa gần 20 triệu lượt. Du lịch đã trở thành nguồn thu quan trọng với những điểm đến hấp dẫn như Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Mũi Né... Ngoài ra, nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế biển trong Vùng đã được đầu tư, cải thiện đáng kể: ngoài 5 khu kinh tế biển, ở Vùng còn nhiều cảng biển nước sâu, hệ thống giao thông đường bộ Bắc - Nam, các trung tâm du lịch biển đảo, các khu đô thị mới...

Tuy nhiên, PGS Hồi cũng cho biết, kinh tế biển Nam Trung Bộ đang đối mặt với nhiều thách thức: (1) tầm nhìn phát triển ngắn hạn, chạy theo lợi nhuận, (2) cơ sở hạ tầng ven biển nhỏ thiếu liên kết và đặc biệt (3) khai thác tài nguyên biển không gắn với tái tạo, môi trường biển biến đổi xấu, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút nghiêm trọng.

Giải pháp phát triển bền vững 

Để phát triển bền vững kinh tế biển, yếu tố then chốt vẫn là KHCN. KHCN cần phải được ứng dụng trong quản lý nguồn tài nguyên biển, trong phát triển các khu kinh tế biển, khai thác thủy sản, hàng hải... TS Đào Việt Hà, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, hệ sinh thái biển đang suy thoái, cần có các giải pháp khoa học để phục hồi. Theo đó, TS Hà đề xuất rà soát lại các vùng san hô, thảm thực vật biển dọc biển Nam Trung Bộ để tái tạo hệ sinh thái.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, cần phải ứng dụng KH&CN tiên tiến trong quản lý, vận hành các hoạt động du lịch, như công nghệ GIS& RS trong kiểm kê tài nguyên để quản lý tài nguyên môi trường hay khai thác hiệu quả CNTT cho phát triển du lịch. Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển hài hòa du lịch biển, nuôi trồng thủy sản, các khu kinh tế ven biển với bảo tồn thiên nhiên, tài nguyên biển. Việc khai thác hải sản trên biển cũng phải áp dụng các công nghệ mới để không gây tác hại tới môi trường.

Những giải pháp đưa ra tại Hội nghị đã phần nào gợi mở hướng liên kết, quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững vùng biển giàu tiềm năng Nam Trung Bộ để phát triển kinh tế biển.

Hoài Thương