[In trang]
THACO làm chủ công nghệ, từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa
Thứ năm, 06/06/2019 - 11:07
Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), nhà sản xuất lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam, đã tập trung đầu tư công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa từ năm 2018.

Trước tác động mạnh mẽ của CMCN4.0, tự động hóa đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu. Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), nhà sản xuất lắp ráp ô tô hàng đầu Việt Nam, đã tập trung đầu tư công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa từ năm 2018. 

Tăng năng suất nhờ tự động hóa 

Hiện tại, Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai Trường Hải có 6 nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô và 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, Thaco Bus và Thaco Mazda là hai nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, 14 nhà máy công nghiệp hỗ trợ đều áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối các dây chuyền tự động toàn nhà máy, từng bước hình thành dây chuyền sản xuất thông minh, nâng tỷ lệ tự động hóa tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ đạt gần 60%.

Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai Trường Hải

Nhà máy Nhíp đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất tự động trong các công đoạn cấp phôi, thay khuôn, chỉnh cử, ghi chép dữ liệu, giám sát chất lượng sản phẩm bằng cách ứng dụng IoT và MES, từ đó nâng cao năng lực sản xuất của nhà máy từ 6.000 tấn/năm lên 10.000 tấn/năm và giảm 5% giá thành sản phẩm hàng năm. 

Nhà máy Khuôn đã áp dụng giải pháp cấp phôi tự động trên các máy tiện CNC và số hóa dữ liệu tại dây chuyền tiện CNC, giúp giảm sai sót và tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động.

Nhà máy sản xuất dây điện ô tô và nhà máy sản xuất ghế ô tô các loại đã sử dụng hệ thống các xe tự hành AGV trong vận chuyển các linh kiện, vật tư, giảm thiểu nhân công, và nâng cao tính an toàn trong sản xuất. 

Robot sơn linh kiện nhựa

Nhà máy Linh kiện composite đã đầu tư các thiết bị tự động hiện đại xuất xứ từ châu Mỹ và châu Âu như máy thử nghiệm và thí nghiệm, robot cắt bằng tia nước…

Tăng tỷ lệ nội địa hóa 

THACO đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực thiết kế, làm chủ công nghệ và nội địa hóa theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Cụ thể, tính đến thời điểm này, xe bus đã đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60%, trong đó, THACO đã sản xuất thân vỏ xe, kính, ghế, bộ dây điện, máy lạnh, linh kiện nội ngoại thất,…và thiết kế, chế tạo xe bus theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng trên nhiều loại khung gầm của các hãng Mercedes, Volvo… để xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN, trước mắt là Thái Lan và Philippines.

Đối với xe tải, THACO đã đáp ứng yêu cầu sản xuất các dòng xe tải cao cấp nhãn hiệu Mitsubishi Fuso - Nhật Bản và xe tải châu Âu. Đến nay, xe tải do THACO sản xuất đã đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 35 - 40% và nâng lên 60% trong thời gian sắp tới. 

Đối với xe con, THACO đang tập trung nội địa hóa xe du lịch Kia với tỷ lệ đạt từ 17 - 22%. Từ năm 2019, THACO tiếp tục phát triển nội địa hóa cho xe du lịch Kia, Mazda với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 40% vào năm 2020, hướng đến xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN.

Ông Phạm Văn Tài - Tổng giám đốc THACO, khẳng định: "THACO luôn xác định KH&CN là nền tảng phát triển bền vững, bởi đó là chìa khóa để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng". 

Mai Linh