[In trang]
Đừng để doanh nghiệp đứng ngoài “sân chơi” 4.0!
Thứ ba, 14/05/2019 - 14:04
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó...

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ, sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó...

Giải pháp đồng bộ

Chia sẻ tại cuộc thảo luận với chủ đề “Ngành công nghiệp chế tạo – Định vị nền Công nghiệp Việt Nam là trung tâm sản xuất toàn cầu” vừa diễn ra, tại Hà Nội, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, mức độ tham gia của DN vào cuộc CMCN 4.0 vẫn còn hạn chế. Theo một nghiên cứu của Bộ Công Thương, phần lớn DN sản xuất của Việt Nam đang đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. Các DN chưa có được các sản phẩm thông minh tích hợp tính năng số.

Bên cạnh đó, công nghệ tiên tiến còn ít được áp dụng tại DN. 3 công nghệ được sử dụng nhiều nhất gồm kết nối thiết bị - sản phẩm, công nghệ đám mây và công nghệ cảm biến, nhưng tỷ lệ áp dụng lại rất khiêm tốn, chỉ dao động khoảng 15-16%.

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã tập trung xây dựng chiến lược tiếp cận bài bản, hệ thống những giải pháp cụ thể có tính đột phá để chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0; sớm định hình những trọng tâm ưu tiên và động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong định hướng phát triển ngành Công Thương, Bộ Công Thương cũng ưu tiên phát triển thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số. Đó chính là những lĩnh vực có tiềm năng phát triển; xây dựng triển khai chiến lược tiếp cận của ngành, trọng tâm là đổi mới nền sản xuất hiện đại; ưu tiên phát triển những ngành có năng lực cạnh tranh, có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu với phân khúc có giá trị cao.

Doanh nghiệp FDI hiến kế

Nhận định về hiện trạng của Việt Nam trước “làn sóng” của CMCN 4.0, ông Dennis Brunetti - Chủ tịch, Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - cho rằng, Việt Nam hiện đang đứng giữa “ngã ba đường” khi phải bắt nhịp được với cuộc CMCN 4.0 mà vẫn đảm bảo duy trì công việc cho người lao động. Vì vậy, cần phải có tầm nhìn dài hạn để có thể giải quyết được vấn đề này một cách phù hợp.

Tăng cường liên kết giữa con người và máy móc

Một trong những giải pháp hiệu quả được ông Dennis Brunetti đưa ra là đặt nền móng cho một xã hội kết nối. Chẳng hạn như việc áp dụng công nghệ 5G để có mức độ bao phủ tốt hơn, băng thông tốt hơn và có thể kết nối với robot, các trang trại sản xuất nông nghiệp, các nhà máy sản xuất Việt Nam có khả năng làm tốt điều này với minh chứng cụ thể là trước đây, các nhà mạng Mobifone hay Vinaphone chỉ mất 2 năm để phủ sóng mạng 3G và sau đó là 4G.

Ông Brian Hull - Giám đốc điều hành ABB Vietnam – khuyến nghị, cần tăng cường liên kết giữa con người và máy móc. “Không phải các nhà máy lớn mới có thể sử dụng robot mà hiện nay, có thể thấy robot được xuất hiện cả ở các DN vừa và nhỏ để có thể cải thiện năng suất. Bởi robot có thể giúp hoàn thiện công việc nhanh hơn, đơn giản hơn và giảm thiểu thời gian chết” - ông Brian Hull cho hay.

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương): Ngành Công Thương sẽ tận dụng tốt những lợi thế của cuộc CMCN 4.0 để đổi mới nền sản xuất hiện tại.

Nguồn Báo Công Thương