[In trang]
Nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi quặng Bauxit nhằm tận thu tài nguyên
Thứ ba, 14/05/2019 - 08:51
Sáng ngày 9/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi quạng Bauxit trong quặng đuôi thải cấp hạt -1mm Nhà máy tuyển quặng Bauxit Tân Rai – Lâm Đồng nhằm tận thu tài nguyên”. Đề tài do Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Vinacomin chủ trì thực hiện.

Sáng ngày 9/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi quặng Bauxit trong quặng đuôi thải cấp hạt -1mm Nhà máy tuyển quặng Bauxit Tân Rai – Lâm Đồng nhằm tận thu tài nguyên”. Đề tài do Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Vinacomin chủ trì thực hiện. 

Mục tiêu của đề tài nhằm tận thu quặng Bauxit +0,5mm phối trộn với quặng tinh +1mm thành quặng hỗn hợp đảm bảo chất lượng cấp sang nhà máy alumin: Al2O3 ≥47,11% và SiO2≤2,75%.

Đại diện Viện Khoa học công nghệ Mỏ khẳng định, việc triển khai thực hiện đề tài này là rất cần thiết và cấp bách. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn cao, đem lại lợi ích kinh tế và môi trường rõ rệt.

Bauxit là loại quặng trầm tích có màu hồng, nâu được hình thành từ quá trình phong hóa các đá giàu nhôm hoặc tích tụ từ các quặng có trước bởi quá trình xói mòn. Quặng Bauxit phân bố chủ yếu trong vành đai xung quanh xích đạo, đặc biệt trong môi trường nhiệt đới. 

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Theo các báo cáo địa chất, trữ lượng quặng Bauxit ở nước ta khoảng 5,5 – 6,9 tỷ tấn, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, phân bố chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông. Tại tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư tổ hợp sản xuất Bauxit – Nhôm Lâm Đồng công suất 650.000 tấn alumin/năm. Tổ hợp đã vận hành sản xuất thương mại năm 2013 và sản phẩm alumin sản xuất ra xuất khẩu ra thế giới.

Nhà máy có tuyển quặng Bauxit Tân Rai là một khâu trong quá trình sản xuất alumin. Nhà máy có quy mô công suất thiết kế là 1.779.050 tấn quặng tinh/năm. Công nghệ tuyển là tuyển rửa trọng lực và phân cấp để thu hồi cấp hạt +1mm cấp cho nhà máy sản xuất alumin, bùn thải quặng đuôi cấp hạt -1mm được bơm thải ra đập thải quặng đuôi, hàng năm thải ra khoẳng 1,5 triệu tấn.

Sau khi tiến hành khảo sát, lấy mẫu và phân tích các thành phần vật chất quặng đuôi thải cấp hạt -1mm của nhà máy tuyển quặng Bauxit Tân Rai và thực hiện thí nghiệm tuyển thu hồi quặng Bauxit trong quặng đuôi thải cấp hạt -1mm, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp công nghệ, lập phương án và đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế. 

Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất công nghệ thu hồi quặng Bauxit trong quặng đuôi thải cấp hạt -1mm tại Nhà máy tuyển quặng Bauxit Tân Rai gồm phân cấp bùn quặng đuôi nhà máy bằng máy phân cấp ruột xoắn hoặc xoáy lốc phân cấp, và tiếp tục loại bỏ bùn sét lẫn bẩn trong sản phẩm cát của máy phân cấp bằng cách sử dụng sàng rung (cao tần).

Từ công nghệ được đề xuất, nhóm tiếp tục đề xuất 02 phương án thu hồi quặng Bauxit cấp -1mm bằng (1) máy phân cấp ruột xoắn kết hợp sang rung cao tần để phân loại và (2) máy xoáy lốc phân cấp kết hợp sang cao tần để phân loại. Trong đó, phương án sử dụng thiết bị phân cấp quặng đuôi thải tại Nhà máy tuyển quặng Bauxit Tân Rai bằng phân cấp ruột xoắn kết hợp với sàng rung cao tần có tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao.

Qua tính toán sơ bộ, với mức đầu tư dây chuyển tuyển tận thu quặng Bauxit khoảng 9,89 tỷ đồng, thu lợi nhuận hàng năm đạt 3,2 tỷ đồng. Với sản lượng quặng Bauxit +0,5mm tận thu hàng năm đạt 118.000 tấn/năm sẽ góp phần giảm sản lượng quặng nguyên khai hàng năm cấp vào nhà máy tuyển, tương ứng với giảm diện tích khai thác là 5,1ha/năm. Điều này góp phần làm tăng tuổi thọ mỏ lên khoảng 7%, tận thu tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tên đề tài: Nghiên cứu công nghệ tuyển thu hồi quạng Bauxit trong quặng đuôi thải cấp hạt -1mm Nhà máy tuyển quặng Bauxit Tân Rai – Lâm Đồng nhằm tận thu tài nguyên

Cơ quan chủ trì: Viên Khoa học công nghệ Mỏ - Vinacomin

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Văn Minh

Thời gian thực hiện: 01/2018 – 12/2018

Vụ Khoa học và Công nghệ