[In trang]
Giải pháp giảm tiêu hao bột manhêtít tại Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1
Thứ hai, 13/05/2019 - 14:45
Tại các nước công nghiệp phát triển với sản lượng than hàng đầu thế giới, phương pháp chủ yếu được sử dụng để tuyển than là tuyển bằng huyền phù manhêtít, tuyển bằng máy lắng và tuyển nổi. Trong đó, phương pháp tuyển than bằng huyền phù manhêtít chiếm hơn 50% và được sử dụng rộng rãi nhất.

Tại các nước công nghiệp phát triển với sản lượng than hàng đầu thế giới, phương pháp chủ yếu được sử dụng để tuyển than là tuyển bằng huyền phù manhêtít, tuyển bằng máy lắng và tuyển nổi. Trong đó, phương pháp tuyển than bằng huyền phù manhêtít chiếm hơn 50% và được sử dụng rộng rãi nhất.

Tại Việt Nam, các nhà máy tuyển than trung tâm sử dụng công nghệ tuyển than bằng huyền phù manhêtít gồm Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1 và 2, Nhà máy tuyển than Hòn Gai, Nhà máy tuyển than Cửa Ông 1, Nhà máy tuyển than Cửa Ông 2. Ngoài ra còn có các xưởng sàng tuyển tại mỏ sử dụng công nghệ huyền phù manhêtít như: Mạo Khê, Nam Mẫu, Uông Bí, Đèo Nai, Việtmindo. Các nhà máy tuyển than trung tâm và các xưởng tuyển tại mỏ hiện đang sử dụng bột manhêtít do Viện Khoa học công nghệ Mỏ sản xuất.

Hàng năm, các nhà máy tuyển than trung tâm và các xưởng tuyển tại mỏ bằng công nghệ huyền phù manhêtít ở Việt Nam sử dụng khoảng 7.400 tấn bột manhêtít làm huyền phù tuyển than, trong đó Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1 sử dụng khoảng 4.000 tấn manhêtít mịn (chiếm khoảng 56%).

Trước thực trạng trên, Viện Khoa học công nghệ Mỏ đã đề xuất và được Bộ Công Thương chấp thuận thực hiện  đề tài “Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm giảm tiêu hao bột Manhêtít tại Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1”. Đề tài được thực hiện từ tháng 01/2018 đến 12/2018. 

Trước tiên, nhóm nghiên cứu thực hiện xác định nguyên nhân gây tiêu hao manhêtít tại Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1. Theo đó, tiêu hao manhêtít tại Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1 là do các nguyên nhân: (i) Khâu chuẩn bị than trước khi tuyển (sàng tách cám, sàng rửa bùn) có hiệu quả làm việc thấp. (ii) Mất mát manhêtít theo bùn thải tuyển từ cao do hiệu quả làm việc của hệ thống tuyển từ thu hồi tái hình huyền phù manhêtít thấp, mất mát manhêtít theo các các sản phẩm than sạch, trung gian, đá thải sau tuyển còn cao do khâu rửa thu hồi manhêtít trong các sản phẩm sau tuyển có hiệu quả chưa cao. (iii) Mất mát manhêtít do đặc tính than nguyên khai cấp liệu cần phải tuyển ở tỷ trọng cao và đặc điểm công nghệ tuyển: than cấp liệu vào tuyển xoáy lốc huyền phù than cám là than chưa qua tuyển. (iv)Mất mát manhêtít do các nguyên nhân khác ngoài công nghệ như: rơi vãi, rò rỉ trong quá trình vận chuyển sử dụng, hao hụt, biến chất trong quá trình lưu kho, giao nhận. 

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp kỹ thuật công nghệ để giảm tiêu hao bột manhêtít cho Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1 bao gồm các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết bị trong khâu chuẩn bị than trước khi cấp vào tuyển huyền phù và của hệ thống xử lý thu hồi  manhêtít trong các sản phầm sau tuyển (sàng róc, rửa huyền phù các sản phẩm  tuyển và hệ thống tuyển từ thu hồi tái sinh huyền phù). 

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp: (1) Đầu tư cải tạo thay thế các sàng tách cám khô (2) Cải tạo thay hệ thống hố gầu, gầu nâng, sàng khử nước hiện tại bằng hệ thống bể bơm, bơm bùn, xoáy lốc phân cấp, sàng khử nước mới, (3) Cải tạo các tầng lưới của sàng rửa cám trước khi tuyển để tăng hiệu quả rửa bùn trước khi tuyển và rửa huyền phù sau khi tuyển. (4) Tăng chi phí nước rửa của các sàng rửa cám, sàng rửa bùn trước và sau tuyển lên mức tối đa cho phép (5) Tăng cường quản lý giám sát kiểm tra chất lượng bột quặng manhêtít đưa vào sử dụng. Kết quả áp dụng các giải pháp sẽ nâng cao hiệu quả sảng tuyển, nâng cao tỷ lệ thu hồi than cục và than cám chất lượng cao, giảm được tiêu hao manhêtít cho nhà máy tuyên than Vàng Danh 1.

Theo tính toán, khi thực hiện một số giải pháp kỹ thuật công nghệ nêu trên, lợi nhuận của nhà máy tăng 441,4 triệu đồng mỗi năm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin.

Tên đề tài: Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật công nghệ nhằm giảm tiêu hao bột Manhêtít tại Nhà máy tuyển than Vàng Danh 1

Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học công nghệ Mỏ - Vinacomin 

Chủ nhiệm đề tài: ThS. Mai Văn Thịnh

Thời gian thực hiện: 01/2018 - 12/2018

Vụ Khoa học và Công nghệ