[In trang]
EVNSPC: Tăng tốc đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất, kinh doanh
Thứ bảy, 11/05/2019 - 16:10
Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang tăng tốc để áp dụng công nghệ 4.0 tới tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu mà Tập đoàn Điện lực Việt nam đã đề ra

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đang tăng tốc để áp dụng công nghệ 4.0 tới tất cả các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện tốt mục tiêu mà Tập đoàn Điện lực Việt nam đã đề ra “Ứng dụng thành quả Cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa EVN lên tốp đơn vị hàng đầu ASEAN”.

Theo EVN, hiện nay quy mô của hệ thống điện Việt Nam đang đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, để tận dụng các thành tựu của CMCN 4.0, EVN đã xây dựng chiến lược với từng lộ trình cụ thể để xây dựng lưới điện thông minh, từ đó từng bước triển khai hệ thống đo đếm hiện đại, tiên tiến.

Là một tổng công ty lớn trực thuộc Tập đoàn, EVN SPC hiện đang quản lý địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam với gần 8 triệu khách hàng với tổng số tiền thu được năm 2018 là hơn 122.457 tỷ đồng, bình quân hơn 10.204 tỷ đồng/tháng và 335 tỷ đồng/ngày; sản lượng điện thương phẩm năm 2018 là 66 tỷ 669 triệu kWh nên EVN SPC càng ý thức được tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ 4.0 không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công, chi phí sản xuất mà còn từng bước hiện đại hoá ngành điện từ đó nâng cao các chỉ số đánh giá trong đó quan trọng nhất là chỉ số tiếp cận điện năng.

Tổng công ty đã tăng tốc đưa công nghệ 4.0 vào hầu hết các khâu của quá trình sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, đã trang bị công tơ điện tử (CTĐT) và đo ghi từ xa và ứng dụng phần mềm EVNHES tới 79.907 trạm công cộng, 79.907 CTĐT (chiếm tỷ lệ 100%); có 110.699 công tơ bán điện khách hàng, trong đã đó trang bị 81.582 CTĐT (chiếm tỷ lệ 74,62%); chỉ còn 29.117 công tơ cơ (chiếm tỷ lệ 25,38%, trong đó có 24,154 công tơ bán điện khách hàng thanh long, 4.963 công tơ lắp cho khách hàng bán điện 1 giá).

Đặc biệt, trong số 7.723.810 công tơ bán điện khách hàng sau trạm công cộng, thì đến nay EVN SPC đã trang bị được 2.656.225 CTĐT (chiếm tỷ lệ 34,39%). Mục tiêu trong những năm tới, bên cạnh việc tập trung đầu tư cho quá trình CTĐT hoá, Tổng công ty cũng sẽ vận động, tuyên truyền cho người dân thấy lợi ích của việc thay đổi từ công tơ cơ sang CTĐT.

Đặc biệt, đã triển khai hệ thống MDMS là hệ thống được triển khai theo mô hình chung của EVN quản lý toàn bộ dữ liệu đo đếm của hệ thống đo đếm ranh giới ngoài, ranh giới nội bộ, trạm công cộng, trạm chuyên dùng và một phần công tơ bán điện thuộc hệ thống PLC. Số lượng triển khai tại Tổng công ty là 1 triệu điểm đo. Qua hệ thống đo ghi từ xa này đã có thể kiểm soát được dữ liệu đo đếm chiếm gần 70% sản lượng điện thương phẩm toàn EVN SPC, hướng đến phương thức quản lý điều hành hiệu quả hơn.

Chia sẻ về vai trò quan trọng của ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất, kinh doanh, ông Lê Minh Quốc Việt, Giám đốc Điện lực Bình Dương cho biết, nổi bật nhất về hiệu quả là ứng dụng công nghệ mới trong đo ghi chỉ số công tơ từ xa.

Tại Điện lực Bình Dương, trong công tác ghi chỉ số và giám sát hệ thống đo đếm, việc triển khai ứng dụng công nghệ mới (công nghệ PLC, công nghệ GPRS, ghi chỉ số bằng chương trình trên điện thoại di động) để ghi chỉ số đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tăng năng suất lao động của Điện lực và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. 

Khách hàng có thể tự giám sát được sản lượng điện tiêu thụ hay mức tải đã và đang sử dụng trong từng thời điểm, từ đó có giải pháp điều chỉnh phụ tải hợp lý hơn trong quá trình sử dụng điện mà không cần chờ nhân viên điện lực đến ghi điện hằng tháng. Đồng thời, công nghệ cho phép cảnh báo kịp thời các trường hợp chạm chập hay rò điện phía sau công tơ giúp khách hàng kịp thời khắc phục sự cố nên an toàn hơn trong sử dụng điện và giảm được chi phí thanh toán tiền điện.

Song song với các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, EVN SPC đã thực hiện báo cáo và chữ ký điện tử trong giao dịch nội bộ. Theo đó, Tổng công ty đã tập huấn cho các công ty điện lực vào tháng 11/2018 áp dụng chữ ký số trên chương trình CMIS 3.0 trong lưu trữ bảng kê liên 1, bảng kê kiểm dò chỉ số, giao Công ty Điện lực Bình Dương thực hiện thí điểm từ tháng 12/2018…

Hà tổng hợp