[In trang]
Thanh Hóa đẩy nhanh quá trình xây dựng chính quyền điện tử
Thứ bảy, 04/05/2019 - 09:51
Hiện 90% các dự án trong Đề án xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và phát triển một số dịch vụ thành phố thông minh của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020 đã được phê duyệt và đang triển khai.

Hiện 90% các dự án trong Đề án xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) và phát triển một số dịch vụ thành phố thông minh của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2017-2020 đã được phê duyệt và đang triển khai. Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá (TTTT) đã đề cập về tiến trình xây dựng CQĐT trong cuộc trò chuyện cùng Tạp chí Vietnam Business Forum.

Theo ông, hạ tầng BC, VT và CNTT tỉnh Thanh Hóa đã sẵn sàng ra sao nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp?

Những năm gần đây, hạ tầng bưu chính (BC), viễn thông (VT) và công nghệ thông tin CNTT) trên địa bàn đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng với công nghệ hiện đại, độ bao phủ rộng, dung lượng lớn, chất lượng cao và khá đồng bộ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung. Các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cũng được cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.

Hiện trên địa bàn có 633/635 xã có điểm phục vụ BC, VT (chiếm 99,69% xã); 100% huyện, thị xã, thành phố có đường thư cấp II đến trong ngày. Mạng lưới VT phủ sóng rộng khắp với hạ tầng rất lớn: 508 trạm VT cố định, 7.250 trạm thu, phát sóng di động, 17.600 km cáp quang, đảm bảo cung cấp dịch vụ VT băng rộng, chất lượng cao cho 100% trung tâm xã và khu vực đô thị.

Tại các khu vực phát triển khu kinh tế, công nghiệp và trung tâm đô thị, các doanh nghiệp VT đã triển khai hạ tầng băng thông rộng cùng với quá trình san lấp, xây dựng mặt bằng nên có thể sẵn sàng triển khai, đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ VT, internet của nhà đầu tư khi có nhu cầu.

Ông đánh giá sao về chất lượng, hiệu quả cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của ngành TTTT tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây?

Những năm qua, Sở TTTT luôn đi đầu về ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả hoạt động. Ngoài việc rà soát, đơn giản hóa giảm trên 40% thời gian giải quyết, 14/37 danh mục TTHC của Sở được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Mọi tổ chức, cá nhân chỉ truy cập qua mạng internet có thể nhận được thông tin về: Các quy định với TTHC, trình tự giải quyết, nội dung hồ sơ, phí, lệ phí,… Các TTHC được nộp và nhận qua mạng và 100% TTHC được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

Cán bộ, công chức của Sở luôn thực hiện tốt phương châm của tỉnh “4 tăng, 2 giảm, 3 không” (Tăng cường ứng dụng CNTT; tăng cường công khai minh bạch trong giải quyết TTHC; tăng cường trách nhiệm cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; tăng sự hài lòng người dân và doanh nghiệp-Giảm thời gian và giảm chi phí giải quyết TTHC-Không phiền hà, sách nhiễu; không yêu cầu bổ sung hồ sơ quá một lần; không trễ hẹn”).

Công tác giải quyết TTHC cho các tổ chức, cá nhân được duy trì hiệu quả hơn, đảm bảo nhanh gọn, đúng quy định; qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ảnh minh họa

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đang nỗ lực từng bước xây dựng thành công CQĐT, ông có thể cho biết cụ thể hơn về tiến trình này?

Sở TTTT đã chủ động nghiên cứu, phối hợp với các sở, ban, ngành tích cực tham mưu trong việc xây dựng CQĐT. Hiện 90% các dự án trong Đề án xây dựng CQĐT và phát triển một số dịch vụ thành phố thông minh của tỉnh giai đoạn 2017-2020 đã được phê duyệt và đang triển khai. Để đẩy mạnh phát triển CQĐT, trong giai đoạn 2019-2020, tỉnh đang tiếp tục triển khai Đề án “Xây dựng CQĐT và phát triển một số dịch vụ thành phố thông minh”, trong đó tập trung vào một nhiệm vụ, gồm:

- Thứ nhất, xây dựng hoàn thiện hạ tầng CNTT đáp ứng phần cứng, phần mềm, các dịch vụ để áp dụng và phát triển CQĐT. Hạ tầng VT đáp ứng công nghệ cao, dung lượng lớn, băng thông rộng, liên kết các mạng VT quốc gia, kết nối trực tiếp đường truyền quốc tế với nhiều loại hình dịch vụ với chất lượng đường truyền cao và giá thành hợp lý.

- Thứ hai, xây dựng trục kết nối nội tỉnh theo Kiến trúc CQĐT đã phê duyệt để kết nối tất cả hệ thống thông tin của tỉnh và sẵn sàng kết nối với trục kết nối quốc gia.

- Thứ ba, triển khai đồng bộ phần mềm ứng dụng: quản lý văn bản; giao nhiệm vụ và theo dõi kết quả; thư công vụ; chữ ký số trong các cơ quan quản lý, đảm bảo dữ liệu liên thông, hoạt động ổn định và hiệu quả cao.

- Thứ tư, nâng cấp Cổng thông tin điện tử của tỉnh theo công nghệ hiện đại, cung cấp đầy đủ văn bản pháp luật, điều hành, công báo; tích hợp cổng dịch vụ công và cổng thành phần các sở, ban, ngành và đoàn thể; 27 huyện, thị xã, thành phố; 635 xã, phường, thị trấn; đảm bảo cung cấp đầy đủ dịch vụ công có nhu cầu sử dụng cao nhất được triển khai mức 3,4 trong năm 2019; các dịch vụ công còn lại sẽ tiếp tục triển khai năm 2020.

- Thứ năm, triển khai một số dịch vụ thành phố thông minh: Giáo dục, y tế, du lịch, kiểm soát ô nhiễm môi trường...

Sau khi các đơn vị triển khai hoàn thành các dự án, bức tranh tổng thể về ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT của tỉnh sẽ hoàn thiện và có những điểm nhấn nổi bật.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo VCCI News