[In trang]
Ứng dụng AI: Cơ hội và thách thức
Thứ năm, 02/05/2019 - 09:26
Internet đã tạo ra cách mạng hóa trong ba thập kỷ qua. Giờ đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã sẵn sàng để làm điều tương tự và các doanh nghiệp không tận dụng điều này sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Internet đã tạo ra cách mạng hóa trong ba thập kỷ qua. Giờ đây, trí tuệ nhân tạo (AI) đã sẵn sàng để làm điều tương tự và các doanh nghiệp không tận dụng điều này sẽ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang được các doanh nghiệp trên thế giới sử dụng trong mọi lĩnh vực

Các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô hiện đang tận dụng ưu thế của AI để tuyển dụng và quản lý nhân viên của họ. Theo báo cáo của The Verge, Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon đã và đang sử dụng những hệ thống AI theo dõi và tự sa thải hàng trăm lao động tại trung tâm xử lý đơn hàng (fulfilling center) do không đạt chỉ tiêu về năng suất.

Mặc dù không phải quyết định nào cũng do máy đưa ra, nhưng tài liệu trên cho thấy, đó thực sự là một chu trình tự động hóa chuyên sâu. Hệ thống của Amazon có khả năng theo dõi mức năng suất của từng cá nhân, rồi từ đó tự động đưa ra lời cảnh báo hoặc chấm dứt hợp đồng mà không cần người giám sát phải nhập liệu.

Với khoảng một triệu ứng viên cho khoảng 15.000 vị trí mới mỗi năm, công ty mỹ phẩm L'Oreal đang sử dụng AI để hợp lý hóa việc tuyển dụng. Eva Azoulay, Phó Chủ tịch toàn cầu phụ trách nhân sự của L'Oreal nói rằng: "Chúng tôi thực sự muốn tiết kiệm thời gian và tập trung nhiều hơn vào chất lượng, sự đa dạng và trải nghiệm của các ứng viên. Và AI là cách tốt nhất để thực hiện được những điều này". 

Cụ thể, công ty này sử dụng Mya, một chatbot để tiết kiệm thời gian của nhà tuyển dụng trong giai đoạn đầu tiên của quy trình tuyển dụng nhân sự. Nó xử lý các truy vấn thông thường từ các ứng cử viên và kiểm tra các chi tiết như tính khả dụng và yêu cầu thị thực.

Nếu các ứng viên lọt vào vòng tiếp theo, họ sẽ gặp Seedlink, phần mềm AI chấm điểm cho các ứng viên dựa trên câu trả lời của họ trong phần phỏng vấn mở. Mặc dù những điểm số này không thay thế được sự đánh giá của con người, nhưng chúng làm nổi bật lên những ứng cử viên có tiềm năng và tiết kiệm thời gian thẩm định hồ sơ.

Không chỉ có Amazon và L'oreal, rất nhiều doanh nghiệp khác đã và đang sử dụng AI để quản lý nhân viên. Một số công ty ở Anh đã bắt đầu sử dụng Isaak, một hệ thống AI được thiết kế bởi công ty StatusToday có trụ sở tại London để theo dõi số giờ nhân viên trực tuyến và số lượng email họ nhận được.

Đại lý bất động sản JBrown tại London đã sử dụng công nghệ dựa trên thuật toán kể từ tháng 3/2019. CEO James Brown cho biết AI giúp công ty hiểu được thói quen của nhân viên và ngăn họ làm việc quá sức. 

Hơn nữa, trí tuệ nhân tạo sẽ phục vụ các khách hàng toàn cầu, những đối tượng khác múi giờ của doanh nghiệp một cách thuận tiện và nhanh chóng, thay vì việc để các nhân viên chăm sóc khách hàng túc trực ngày đêm để trả lời một câu hỏi. 

Mặc dù vậy, các chuyên gia công nghệ cho rằng, AI vẫn còn một chặng đường dài để hoàn thiện đầy đủ chức năng và vẫn còn những rủi ro đi kèm cho đến ngày nay. Các thuật toán có thể có những đánh giá sai lệch không công bằng tùy thuộc vào dữ liệu đầu vào của chúng.

Ví dụ: nếu một thuật toán được sử dụng trong tuyển dụng được phát triển bằng cách sử dụng dữ liệu từ một công ty ưu tiên tuyển dụng nam giới thì có thể có xu hướng loại bỏ các đơn đăng ký của phụ nữ. Đây là một lý do tại sao Ủy ban Châu Âu công bố các hướng dẫn đạo đức cho AI để khuyến khích tính minh bạch, bảo vệ dữ liệu và sự công bằng.

Bên cạnh đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng AI. Các chiến lược gia về AI đã đưa ra lời khuyên cho các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tập trung vào doanh thu và tăng trưởng chứ không phải vội vàng áp dụng AI, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Daniel Faggella, chiến lược gia kiêm CEO của Emerj cho rằng, câu hỏi khó cho các chủ doanh nghiệp nhỏ không phải là có nên nhảy lên chuyến tàu công nghệ AI hay không, mà là khi nào. Trái ngược với những gì đang được thổi phồng trên phương tiện truyền thông, chuyên gia này cho rằng, trong hầu hết các lĩnh vực đã được ứng dụng, AI là một giải pháp đắt đỏ và phức tạp mà không có bằng chứng về lợi tức đầu tư trực tiếp.

"Điều này đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với dữ liệu hạn chế, nguồn lực hạn chế và hiểu biết về khoa học dữ liệu cũng hạn chế. AI hiện chưa đủ đa dạng để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của một doanh nghiệp nhỏ. Việc này vẫn cần nhiều thời gian để hoàn thiện", ông giải thích.

Ngoài ra, công nghệ AI đòi hỏi quản trị dữ liệu và cơ sở hạ tầng phức tạp hơn và hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đều không đủ tiềm lực xây dựng.

Điểm mấu chốt là các doanh nghiệp chưa nên lao vào AI nếu không có mục tiêu kinh doanh rõ ràng. 99,9% doanh nghiệp nhỏ không thực sự cần AI ngay bây giờ để có lợi nhuận. Khi AI trở nên dễ tiếp cận hơn, rẻ hơn, với mục đích sử dụng được xác định rõ hơn và với kiến thức khoa học máy tính ít cần thiết hơn, chúng ta sẽ thấy AI sẽ tiến vào doanh nghiệp nhỏ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các doanh nghiệp nhỏ không nên tiếp cận với AI. Hiện nay vẫn có một công nghệ và các sản phẩm công nghệ tích hợp AI dễ sử dụng trên thị trường và phù hợp vợi các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có thể trải nghiệm.

Mặt khác, không chỉ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà các doanh nghiệp và tập đoàn lớn nên ưu tiên ứng dụng AI trong vấn đề an ninh mạng. Hầu hết các doanh nghiệp đều ít chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ công nghệ thông tin vững chắc, điều này sẽ gây khó khăn cho việc đảm bảo doanh nghiệp sẽ an toàn trong môi trường kỹ thuật số ngày càng phức tạp.

Thật khó để biết AI sẽ ở đâu sau 10 hay 20 năm nữa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, AI hiện đang đóng một vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động kinh doanh hàng ngày của các doanh nghiệp trên thế giới. Và với những bài học mà các doanh nghiệp lớn trên thế giới đã để lại là: hãy tiếp cận AI theo cách phù hợp với quy mô và nhu cầu của doanh nghiệp, thay vì chạy theo xu hướng.

Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp