[In trang]
Công nghệ: Chiến lược đường dài của Traphaco
Thứ năm, 02/05/2019 - 08:40
Hơn 1 năm vận hành nhà máy sản xuất thuốc tân dược thông minh tại Hưng Yên, Công ty cổ phần Traphaco đã dần làm chủ các dây chuyền công nghệ cao và tung ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng, có hiệu quả điều trị cao, được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Hơn 1 năm vận hành nhà máy sản xuất thuốc tân dược thông minh tại Hưng Yên, Công ty cổ phần Traphaco đã dần làm chủ các dây chuyền công nghệ cao và tung ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng, có hiệu quả điều trị cao, được khách hàng tin tưởng lựa chọn.

Nhà máy Traphaco Hưng Yên được đầu tư đồng bộ và tự động hóa hoàn toàn với 5 dây chuyền sản xuất hiện đại gồm thuốc nhỏ mắt - nhỏ mũi, thuốc viên, thuốc nước và thuốc uống siro, với công suất 1,2 tỷ đơn vị sản phẩm/năm. Công nghệ, máy móc được sử dụng tại nhà máy đều là nhóm dẫn đầu, với quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu GMP-EU.

Ðể vận hành một nhà máy mới với những dây chuyền công nghệ cao, máy móc thiết bị hiện đại nhất hiện nay là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, Traphaco đã có những nỗ lực vượt bậc. Cho đến nay, Công ty đã triển khai sản xuất 31/44 sản phẩm có số đăng ký mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 21,6 tỷ đồng trong năm 2018, tăng năng suất từ 1,2 - 1,9 lần, triển khai thực hiện hệ thống quản trị nguồn lực ERP nhằm kiểm soát và tối ưu hóa chi phí ở mức tối đa. 

“Ði” với những người dẫn đầu

Mạnh tay đầu tư cho những công nghệ dẫn đầu xét trên bình diện thị trường quốc tế, Traphaco có tham vọng, những sản phẩm được làm ra từ nhà máy tân dược có chất lượng không thua kém các hãng dược phẩm nước ngoài nhưng có giá thành phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam.

Ðơn cử, Traphaco đã đầu tư dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt - nhỏ mũi sử dụng công nghệ mới - kín hoàn toàn, nhập khẩu từ Mỹ. Với công nghệ này, lọ thuốc nhỏ mắt sẽ được tạo ra trực tiếp từ hạt nhựa, tự động tiệt trùng vỏ lọ, tự động bơm dịch và hàn kín lọ trong khu vực vô trùng cấp sạch A (cấp sạch cao nhất). Quá trình sản xuất được cài đặt tự động, liên tục, không có sự can thiệp của con người.

Công nghệ kín có thể được sử dụng để sản xuất các chế phẩm đa liều và đặc biệt là các chế phẩm đơn liều không sử dụng chất bảo quản. Bên cạnh đó, một ưu điểm rất lớn khác của công nghệ kín là không sử dụng nhiệt để tiệt khuẩn do toàn bộ quá trình sản xuất đã vô trùng.

Thông thường, trong phương pháp pha chế sử dụng nhiệt để tiệt khuẩn giai đoạn cuối, sản phẩm phải tiếp xúc với nhiệt độ lên đến 121 độ C trong tối thiểu 15 phút. Ðiều này trước hết sẽ làm phân hủy các hoạt chất nhạy cảm với nhiệt như các vitamin, làm giảm tác dụng của thuốc. Ngoài ra, nguy cơ nhiễm các tạp chất do thành phần trong bao bì nhựa bị phôi ra, trộn lẫn với dịch thuốc dẫn đến những phản ứng không mong muốn như kích ứng, dị ứng khi sử dụng.

Bên cạnh những sản phẩm truyền thống như Natri Clorid, Ofloxacin, Tobramycin, trong năm qua, Traphaco đã triển khai thêm sản phẩm Quimoxin chứa moxiflocaxin (một kháng sinh thế hệ 4 - thế hệ mới nhất). Chỉ trong 2 tháng tung ra thị trường, sản phẩm đã đạt kết quả ấn tượng với doanh thu 2,9 tỷ đồng, vượt 66% kế hoạch, tổng doanh thu dòng thuốc nhỏ mắt công nghệ kín của Traphaco đạt trên 75 tỷ đồng tính từ tháng 1/2018.

Trong năm 2019, Công ty sẽ tiếp tục ra mắt sản phẩm Quimodex để điều trị nhiễm khuẩn, chống viêm và sản phẩm nước mắt nhân tạo Samaca có tác dụng chống khô mắt.

Tại Việt Nam, nhu cầu cho các sản phẩm nhỏ mắt ngày càng tăng. Theo đánh giá của Tập đoàn Lion - Nhật Bản, dung lượng thị trường thuốc nhỏ mắt trong nước hiện đạt quy mô 37 triệu USD và tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi năm.

Người tiêu dùng Việt Nam lâu nay vẫn luôn khát khao được sử dụng các sản phẩm thuốc nhỏ mắt - nhỏ mũi tiêu chuẩn quốc tế, bằng chứng là các loại thuốc nhỏ mắt xách tay Made in Japan bán rất chạy, dù có giá cả đắt đỏ lên tới vài trăm nghìn đồng/lọ. Tuy nhiên, rủi ro với người tiêu dùng cũng rất lớn vì có thể mua phải thuốc dởm, thuốc nhái.

Do đó, đại dương xanh với các dòng sản phẩm dành cho mắt ở phân khúc chất lượng cao còn rất mênh mông, Traphaco hoàn toàn có thể chiếm lĩnh và trở thành doanh nghiệp nội địa dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Theo ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, lựa chọn công nghệ đi đầu trong lĩnh vực thuốc nhỏ mắt nói riêng và các lĩnh vực khác của nhà máy tân dược là bài toán khó, vì nhà máy đầu tư lớn sẽ chịu áp lực khấu hao và chi phí tài chính cao, chưa kể việc vận hành, nhận chuyển giao công nghệ đòi hỏi rất cao về trình độ nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Traphaco chọn hướng đi khó, chấp nhận vất vả giai đoạn đầu, bởi chỉ có tập trung vào công nghệ và chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp mới có lợi thế cạnh tranh. Chất lượng và hiệu quả điều trị của sản phẩm luôn là tiêu chí được Traphaco chú trọng hàng đầu. 

Bước chuyển thời cuộc

Trong mảng đông dược - thế mạnh cốt lõi của Traphaco lâu nay, khoa học công nghệ vẫn luôn là chìa khóa, dẫn lối cho chiến lược phát triển bền vững. Công ty đã đầu tư nhà máy sản xuất thuốc đông dược hiện đại nhất Việt Nam, phát triển vùng trồng dược liệu sạch đạt tiêu chuẩn GACP tại nhiều tỉnh, thành phố trên khắp cả nước và sở hữu danh mục sản phẩm có chất lượng cao như Boganic, Hoạt huyết dưỡng não - Cebraton, Tottri…

Với nhà máy tân dược hiện đại hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn GMP-EU, các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền tự động, tối ưu chi phí, giá thành giảm so với trước đây, sẽ tạo cơ hội để Traphaco vươn lên dẫn đầu một số nhóm sản phẩm đặc thù trên thị trường. Nhà máy tân dược thông minh được đánh giá là bước đi phù hợp với xu hướng của Traphaco. Ðây cũng là bệ phóng cho sự chuyển dịch chiến lược thị trường của Công ty, đi bằng hai chân: cả kênh OTC (bán lẻ) đang rất mạnh và kênh ETC (hệ điều trị).

Ông Trần Túc Mã cho biết, Traphaco sẽ dự thầu vào nhóm thầu có tiêu chí kỹ thuật cao, giá thành hợp lý. Ngoài các sản phẩm tự sản xuất, Traphaco còn tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài như Daewoong - Hàn Quốc, Kobayashi - Nhật Bản… nhằm chuyển giao công nghệ mạnh mẽ hơn, nghiên cứu đưa ra các sản phẩm có hiệu quả điều trị cao.

Ðến đây mới thấy tầm quan trọng của quyết định đầu tư cho công nghệ hiện đại. Chẳng hạn, công nghệ kín của dây chuyền thuốc nhỏ mắt  giúp Công ty tăng cường đáng kể hiệu quả sản xuất. Công suất trung bình của  phân xưởng nhỏ mắt trước đây ở mức xấp xỉ 6000 lọ/giờ, nay tăng lên 8000 lọ/giờ.

Số nhân công vận hành lại chỉ cần một nửa nhờ quá trình tự động hóa diễn ra trong toàn bộ các giai đoạn từ  pha chế, đóng dịch, siết nắp, dán nhãn đến đóng hộp. Bởi vậy, dây chuyền đủ năng suất để đáp ứng các đơn hàng lớn và có thể mở rộng sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới.

Ông Mã tự tin, sản phẩm thuốc nhỏ mắt của Traphaco có chất lượng không thua kém các hãng dược phẩm nước ngoài nhưng có giá thành hợp lý hơn rất nhiều. Ðây chính là điều kiện để thuốc nhỏ mắt nói riêng và các sản phẩm tân dược nói chung của Traphaco đáp ứng tốt quy định về đấu thầu thuốc.

Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 11/2018/TT-BYT về quy định đấu thầu tại khu vực công lập, nhóm thuốc generics sẽ bị siết chặt hơn về tiêu chuẩn sản xuất tốt (GMP), quy trình, nguyên vật liệu đầu vào.

Quy định sẽ dựng lên một rào cản lớn cho các công ty dược nội địa quy mô nhỏ, công nghệ thấp, từ đó giúp thị trường thuốc an toàn và lành mạnh hơn cho các bệnh nhân. Chính sách này sẽ là thách thức, song nếu công ty dược vào vượt qua được giai đoạn này sẽ phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Những công ty dược với tiêu chuẩn sản xuất cao cấp và các đối tác nước ngoài tiềm năng sẽ sẵn sàng hơn cho quy định đấu thầu ngày càng siết chặt trong khối bệnh viện công lập trong thời gian sắp tới.

Dù là ngành công nghiệp tiêu dùng và phòng thủ, các công ty dược phẩm nội địa Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhất từ trước đến nay. Song với nội lực vững mạnh, sở hữu thương hiệu nổi tiếng nhất ngành dược Việt Nam, đặc biệt là liên tục đổi mới để thích ứng, Traphaco được kỳ vọng sẽ tiếp tục thành công trong những trận đánh mới, giữ vững vị thế và ngày càng phát triển.

Nguồn: Đầu tư chứng khoán