[In trang]
Bước đột phá của Vinatex
Thứ sáu, 19/04/2019 - 11:18
Thông qua đầu tư thiết bị tự động, phần mềm quản trị trên tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tạo bước nhảy vọt về năng suất, giảm mối lo thiếu lao động.

Thông qua đầu tư thiết bị tự động, phần mềm quản trị trên tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh, một số doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tạo bước nhảy vọt về năng suất, giảm mối lo thiếu lao động.

Tổng công ty CP May 10 (May 10) - một trong những đơn vị điển hình của Vinatex trong ứng dụng công nghệ hiện đại. Theo ông Thân Đức Việt – Phó Tổng giám đốc May 10 - ứng dụng công nghệ là giải pháp ưu tiên của doanh nghiệp trong năm 2019 nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đây cũng là giải pháp gỡ khó hữu hiệu cho tình trạng giá nhân công và giá điện tăng. Trước đó, vào cuối năm 2018, May 10 đã nhập khẩu những thiết bị sản xuất tự động ở một số công đoạn cho sản phẩm áo sơ mi như may cổ, dán túi, khép tay. Trước kia, với dây chuyền nước chảy hoặc dây chuyền cụm, công ty cần từ 3-5 lao động cho công đoạn này nhưng với hệ thống thiết bị mới, lao động giảm một nửa, năng suất tăng gấp đôi. Ngoài ra, May 10 cũng triển khai hệ thống phần mềm quản trị doanh nghiệp trên tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh nhằm mục tiêu đạt chất lượng tốt nhất, năng suất cao nhất. Đến nay, May 10 đã có 1 hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn.

Đầu tư vào công nghệ - hướng đi đúng của doanh nghiệp dệt may

Cùng với May 10, hàng loạt doanh nghiệp thành viên khác của Vinatex như: Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Tổng công ty CP May Việt Tiến, Tổng công ty CP May Nhà Bè… đã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Theo ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex - nếu không nhanh chóng chuyển đổi, tập đoàn đã không đạt tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm gần đây. Ngay từ năm 2014, tập đoàn đã đi theo hướng sử dụng ít lao động bằng cách tăng đầu tư chiều sâu, tự động hóa. Và từ đó, tập đoàn có những nhà máy sợi chỉ có 10-50 công nhân trên 1 vạn cọc sợi thay vì 100 công nhân như trước đây. Ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để chuyển giao dữ liệu từ Việt Nam tới tất cả những nhà nhập khẩu trên thế giới. "Ứng dụng công nghệ vào sản xuất không chỉ giúp người công nhân có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn mà lợi nhuận của tập đoàn có thể tăng gấp đôi" - ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

Thực tế, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, big data được sử dụng ngày một nhiều trong sản xuất. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ hiện đại vào sản xuất không hề dễ dàng, nhất là nhân lực để vận hành các thiết bị đó.

Với kinh nghiệm từ thực tế, đại diện May 10 chia sẻ: Tổng công ty tập trung vào đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trước hết là chất lượng của các chuyên gia về công nghệ, thị trường và công nhân lành nghề. Lợi thế của May 10 là gần trường Cao đẳng nghề nên thuận lợi cho công tác đào tạo cũng như cập nhật kỹ thuật hiện đại của thế giới. Hiện May 10 đã có phòng nghiên cứu tổ chức sản xuất, phòng kỹ thuật nghiên cứu từng thao tác của người lao động, sau đó đào tạo từng thao tác, bố trí chuyền sản xuất theo máy hiện đại, kết hợp với máy móc vẫn đang làm hiện nay để cho năng suất cao nhất.

Ông Lê Tiến Trường cũng chỉ rõ, đầu tư công nghệ đòi hỏi vốn lớn, trong khi tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp dệt may nói chung còn yếu. Do đó, muốn đẩy nhanh quá trình này, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về vốn, tạo cơ chế khuyến khích đủ mạnh cho doanh nghiệp.

Nguồn Báo Công Thương