[In trang]
Ngành điện: Ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành
Thứ sáu, 19/04/2019 - 11:15
Hoạt động KH&CN của ngành điện đã đạt được nhiều thành tựu, các nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong quản lý, vận hành là một trong những hoạt động lớn mà ngành điện đã thực hiện thời gian qua. Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời giữ vững vai trò "đi trước một bước" trong phát triển kinh tế đất nước. 

Ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - khẳng định, trong những năm qua, hoạt động KH&CN của ngành điện đã đạt được nhiều thành tựu, các nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều công trình điện được đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; trình độ KH&CN ngành điện tiệm cận trình độ tiên tiến trong khu vực.

Ngành điện đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Văn Vy cho biết, nhiệt điện sử dụng công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao với công suất tổ máy nhiệt điện than đạt 600-660 MW. Công nghệ đập bê tông đầm lăn đã được sử dụng tại các nhà máy thủy điện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thống truyền tải không ngừng mở rộng với nhiều đường dây và trạm biến áp (TBA) có điện áp đến 500 kV; các TBA có công nghệ cách điện bằng khí (GIS)...; tổn thất điện năng giảm xuống còn dưới 8%.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã đưa vào vận hành hệ thống thu thập dữ liệu và điều khiển giám sát tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và ba trung tâm điều độ tại ba miền; đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, hiệu quả và tin cậy.

 Theo Vụ KH&CN (Bộ Công Thương), ngành điện Việt Nam đã và đang tiếp cận đổi mới công nghệ, thiết bị; nhập khẩu công nghệ, nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ mới, tiên tiến của nước ngoài để phục vụ phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ngày càng cao và góp phần tích cực nâng cao năng lực hệ thống điện, nâng cao chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ điện khí hóa nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh quốc gia.

 Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh đã làm chủ thiết kế, chế tạo các chủng loại biến áp như: Máy biến áp (MBA) 220kV-250 kVA, MBA điện lực 3 pha 500kV-3x150 MVA với chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại của các nước châu Âu, trong khi giá bán giảm 15 - 20%, đưa Việt Nam là nước đầu tiên của khu vực Đông Nam Á chế tạo thành công chủng loại MBA này, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của ngành cơ khí điện.

Ngoài ra, thông qua việc triển khai thực hiện dự án cấp quốc gia, Viện Nghiên cứu cơ khí đã nội địa hóa thành công một số hệ thống thiết bị đồng bộ cho ngành nhiệt điện, đơn cử như hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn châu Âu, có khả năng tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam và xuất khẩu. Việc nghiên cứu, chế tạo thành công lọc bụi tĩnh điện đã nâng tỷ lệ nội địa hóa từ 76% lên 94% về khối lượng và từ 65,18% lên 79,6% về giá trị (kể cả giá trị lắp đặt).

EVN đã đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2020, KH&CN ngành điện phải đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030 hầu hết các lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; KH&CN điện đáp ứng được các yêu cầu của một nước công nghiệp. Từ đó, huy động có hiệu quả các nguồn lực về KH&CN, góp phần tăng năng suất lao động trong tập đoàn, vượt 2 lần mức tăng bình quân cả nước.

 Trong thời gian tới, ngành điện sẽ tập trung nguồn lực phát triển, ứng dụng công nghệ nguồn và lưới điện hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm nguyên, nhiên liệu, bảo vệ môi trường; ứng dụng rộng rãi công nghệ tiện ích cao trong kinh doanh và dịch vụ khách hàng.

Theo Báo Công Thương