[In trang]
Robot dọn dẹp nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản
Thứ năm, 21/02/2019 - 15:49
Nhật Bản vừa đạt được cột mốc mới đầy khó khăn trong đợt dọn dẹp hậu quả của thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Nhật Bản vừa đạt được cột mốc mới đầy khó khăn trong đợt dọn dẹp hậu quả của thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011.

Cột mốc đó là một robot vừa chạm thành công một số nhiên liệu tan chảy bên trong một trong ba lò phản ứng hạt nhân gặp sự cố năm 2011. Trước đó, Nhật Bản quyết định loại bỏ và xử lý nhiên liệu hạt nhân tan chảy bên trong nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thay vì chôn vùi địa điểm này như ở Chernobyl, Ukraina. 

Robot của Toshiba có thể tiếp xúc với nhiên liệu tan chảy nhiễm phóng xạ cao

Sau khi chạm thành công vào nhiên liệu tan chảy, nhiệm vụ tiếp theo của robot là lấy một mẫu nhiên liệu lên để thử nghiệm. Bước này có thể kéo dài đến tháng 3/2020. Có khoảng 600 tấn nhiên liệu tan chảy cũng như nhiều mảnh vụn phóng xạ khác nằm dưới đáy lò phản ứng, nơi con người không thể tiếp cận.

Tokyo Electric Power Co. (TEPCO), công ty sở hữu nhà máy điện hạt nhân, cho biết những mảnh nhiên liệu mà robot gặp phải dài từ 1 cm đến 8 cm, đủ rắn để được đưa ra khỏi lò phản ứng. “Một số mảnh khó hơn nhiều so với chúng tôi dự kiến nhưng được nhấc ra một cách tương đối dễ dàng”, phát ngôn viên Katsuyoshi Oyama của Tokyo Electric Power cho hay.

Trước đó, Bloomberg đã từng đưa tin rằng TEPCO cố gắng đưa robot do Toshiba phát triển vào lò phản ứng hạt nhân lần đầu tiên, gần tám năm sau ngày thảm họa diễn ra. Robot được giao nhiệm vụ tiếp xúc với vật liệu được cho là chứa nhiên liệu tan chảy bên trong bình chứa của lò phản ứng số hai, một trong ba lò phản ứng gặp sự cố sau thảm họa động đất, sóng thần tháng 3.2011. Trước đó, robot có nhiệm vụ chụp ảnh nhiên liệu tan chảy và đo mức phóng xạ.

Ngọc Diệp (Theo Bomberg)