[In trang]
EcoSpeed đưa công nghệ hàn nối thép đối đầu về Việt Nam
Thứ hai, 18/02/2019 - 08:31
Ông Hoàng Ngọc Chiến - đại diện Công ty TNHH EcoSpeed Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã tiếp nhận và chuyển giao công nghệ hàn EcoSpeed từ Nhật Bản về nước vào năm 2016.

Ông Hoàng Ngọc Chiến - đại diện Công ty TNHH EcoSpeed Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã tiếp nhận và chuyển giao công nghệ hàn EcoSpeed từ Nhật Bản về nước vào năm 2016.

Hiện, EcoSpeed Việt Nam nhận được sự giúp đỡ của nhiều công ty Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong chuyển giao kỹ thuật, thi công trực tiếp tại các công trình xây dựng. Công ty đang tiến hành các hoạt động trình diễn demo tại các công trình xây dựng trước các đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn giám sát, chủ đầu tư. Bên cạnh đó, EcoSpeed Việt Nam cũng tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật viên công nghệ hàn EcoSpeed cho các học viên là những nhân công trực tiếp của nhiều đơn vị thi công xây dựng. Các khóa đào tạo được tổ chức thường xuyên tại Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) hoặc tại công trình do sự yêu cầu của đơn vị thi công. Sau khi tham gia khóa học, học viên sẽ được cấp một giấy chứng chỉ nghề hàn EcoSpeed và có thể thi công tại công trình.

Công nghệ hàn nối thép đối đầu bằng khí áp lực được người Nhật sử dụng rộng rãi từ những năm 1950 để hạn chế thiệt hại do động đất gây ra. Công nghệ này sử dụng ngọn lửa của hỗn hợp khí cháy (khí thiên nhiên nén và Oxygen) để gia nhiệt làm mềm hai đầu thanh thép đã gắn sẵn nắp bịt thép cốt (PS ring) và sử dụng áp lực cơ học để làm hai thanh thép liên kết với nhau bằng liên kết kim loại. Hiện nay, công nghệ này đang chiếm phần lớn thị phần trong lĩnh vực thi công nối cốt thép trong các công trình xây dựng dân dụng, cầu đường tại Nhật Bản.

Đại diện EcoSpeed Việt Nam cho biết, so với phương pháp nối chồng thép cốt truyền thống, việc sử dụng công nghệ hàn nối thép đối đầu bằng khí áp lực trong thi công sẽ làm giảm mật độ cốt thép tại vị trí nối, do đó không gây ra sự tắc nghẽn bê tông, làm tăng chất lượng kết dính giữa bê tông và thép cốt.

Bên cạnh đó, hai thanh cốt thép được hàn nối đồng tâm, liên kết với nhau bằng kim loại nên chất lượng công trình xây dựng được nâng cao. Đồng thời, phương pháp hàn nối thép đối đầu giúp tiết kiệm được phần thép nối chồng, nên mang lại tính hiệu quả kinh tế, tiết kiệm cao trong các công trình xây dựng lớn. Đây là phương pháp thi công đơn giản, chỉ cần đào tạo thời gian ngắn, công nhân có thể thực hiện trực tiếp trên hiện trường.

Theo ông Chiến, vào cuối năm 2017, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành quyết định về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11977:2017 thép cốt bê tông - phương pháp thử và tiêu chí chấp nhận mối hàn đối đầu bằng khí áp lực. Nhờ đó, các đơn vị thi công, thiết kế có thể áp dụng công nghệ hàn mới vào các dự án công trình xây dựng dân dụng dễ dàng và thuận lợi hơn.Đột phá công nghệ mới trong lĩnh vực thi công xây dựng tiên tiến "Tại Việt Nam, công nghệ hàn EcoSpeed được xem là một bước đột phá mới trong lĩnh vực thi công các cấu kiện cốt thép bê tông của các công trình xây dựng và được giới chuyên môn đánh giá cao về mặt kỹ thuật", ông Chiến nói.

Huệ Chi

(Bài đăng trên Tạp chí KHCN số 7/2018)