[In trang]
"Cú hích" công nghệ cao thời 4.0
Thứ tư, 13/02/2019 - 08:47
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất công nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn là hướng đi quan trọng của ngành công nghiệp hiện nay. Không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, đây còn là hướng đi tất yếu để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất công nghiệp, tạo ra sản phẩm an toàn là hướng đi quan trọng của ngành công nghiệp hiện nay. Không chỉ làm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh, tăng lợi nhuận cho người sản xuất, đây còn là hướng đi tất yếu để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Công ty TNHH San Hà đã xây dựng được chuỗi gia cầm an toàn khép kín.

Những bước tiến vững chắc 

Theo nhiều chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Nếu nắm bắt được cơ hội, cập nhật kịp thời xu hướng công nghệ và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường thì DN sẽ tăng trưởng nhanh. Theo đó, để có thể trụ vững và phát triển trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, DN phải sở hữu được 3 yếu tố quan trọng: thương hiệu, chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh. 

Nhiều DN cũng cho rằng, công nghệ cao ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất sẽ mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm. Là một trong những DN đã và đang dần có những chuyển đổi để thích nghi với cuộc cách mạng 4.0, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV (xã Lộc Hòa- Long Hồ) đã đầu tư toàn bộ máy móc thiết bị hiện đại tự động hóa, phát triển dây chuyền công nghệ chế biến gạo khép kín. 

Ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc công ty- cho hay: Công ty ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại để “nâng cấp” hạt gạo lên tầm cao mới đáp ứng các tiêu chuẩn sạch hơn, chất lượng hơn, góp phần bảo vệ môi trường và nhất là sức khỏe người tiêu dùng. 

Cụ thể, từ khi chuyển sang công nghệ sản xuất 72 giờ, đã tạo ra sản phẩm gạo sạch hơn và chất lượng cao, tăng tỷ lệ thu hồi gạo thành phẩm cao hơn, đồng đều hơn, giảm chi phí trong khâu sấy, tiết kiệm năng lượng, thời gian bảo quản lâu hơn. 

Tương tự, để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính, ông Cao Minh Quốc- Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thảo (xã Thanh Đức- Long Hồ)- cũng đã đi trước một bước, đầu tư, cải tiến công nghệ, máy móc, nhà máy sản xuất để đạt các tiêu chuẩn khắt khe đặt ra. “DN đi vào hoạt động đã gần 20 năm, chuyên sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng như: nấm rơm muối, xoài, khóm đóng lon… 

Thị trường xuất khẩu chính của công ty là Mỹ, Úc, EU,… Tất cả các sản phẩm đều được sản xuất với thiết bị, dây chuyền hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nên chất lượng sản phẩm luôn được giữ vững, được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm”- ông Cao Minh Quốc cho hay. 

Với hệ thống trang trại liên kết và nhà máy giết mổ, chế biến hiện đại, có pha cắt tự động, theo quy trình HACCP, quản lý chuỗi cửa hàng tuân thủ theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, Công ty TNHH San Hà (Quận 8- TP Hồ Chí Minh) đã thực hiện được mô hình liên kết khép kín từ chăn nuôi tới giết mổ, phân phối và bán lẻ. 

Ông Nguyễn Doãn Giang- Phó Tổng Giám đốc công ty- cho biết: Hiện công ty có 4 nguồn cung cấp chính để nhập gà lông là: từ các trang trại nuôi của công ty, từ các trang trại thuộc chuỗi thực phẩm an toàn, từ các trang trại mua theo hợp đồng ký kết và có một số ít mua tự do nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Nhờ xây dựng thành công nhiều chuỗi gia cầm an toàn khép kín từ chăn nuôi tới tiêu thụ và có nhiều mặt hàng mới, hiện sản phẩm đã vào được hầu hết các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, BigC, Metro, Lottemart, Vissan… 

Thay đổi để thích nghi và không bị “lạc nhịp” 

Trước áp lực của cuộc cách mạng 4.0, nhiều DN đã đẩy mạnh đầu tư máy móc thiết bị, cải tiến công nghệ vào sản xuất để có thể tồn tại vững trên thị trường. Và DN nhận định rằng, để có thể bắt nhịp với xu hướng thị trường hiện nay, đây chính là con đường tất yếu DN phải đi, nếu muốn tồn tại và phát triển. 

Được đầu tư công nghệ hiện đại, với dây chuyền sản xuất tiên tiến được nhập độc quyền từ Nhật có công suất 35.000 tấn/năm, ông Phạm Minh Hiền- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Bột mì Đại Nam (TP Vĩnh Long) cho hay: “Chúng tôi tự hào là nhà máy đầu tiên sở hữu hệ thống sản xuất bột gạo khép kín nhập khẩu từ Nhật Bản. Hệ thống này hạn chế tối đa được lượng nước thải xả ra môi trường, chất lượng bột cũng tốt hơn so với cách làm bột truyền thống, giữ được chất dinh dưỡng trong hạt gạo, bột cũng trắng hơn, mịn hơn, bảo quản được lâu hơn. Qua đó, sản phẩm của công ty ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng”. 

Bên cạnh việc chế biến và xuất khẩu các mặt hàng truyền thống, với những dây chuyền máy móc hiện đại có hàm lượng công nghệ cao, Xí nghiệp Nông sản Tân Uyên- (Công ty CP Xuất nhập khẩu Petrolimex- Bình Dương) đã tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế từ khâu sơ chế đến đóng gói. 

Nhận định đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại là bước tiến quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng 4.0, ông Văn Tuấn Anh- Giám đốc xí nghiệp- cho hay: Hầu hết các trang thiết bị đều được nhập từ nước ngoài, là những mẫu mới nhất và có hàm lượng công nghệ cao, giúp cho việc vận hành, sản xuất được thuận lợi, đạt năng suất cao. 

Trong đó, máy tiệt trùng bằng hơi nước không chỉ cho ra sản phẩm hạt tiêu chất lượng mà còn an toàn, thân thiện với môi trường. 

Có thể thấy, nhiều DN đã có bước chuyển mình quan trọng trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, để tiến đến đạt mục tiêu cách mạng công nghiệp 4.0, DN còn phải trải qua một hành trình dài, phải được thiết kế lộ trình cụ thể, có những bước đi phù hợp, rõ ràng. 

Quan trọng nhất là DN cần vượt qua được những tư duy và cách làm cũ trước đây. Ngoài ra, các DN cần tăng cường liên kết, phát triển chuỗi cung ứng thông minh, củng cố lợi thế cạnh tranh. Nếu không thay đổi, không chịu thích nghi thì DN sẽ thua trên chính sân nhà.

Ông Nguyễn Văn Thành: Hiện nay, thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi DN phải thay đổi để cạnh tranh. Tuy nhiên, ở Việt Nam chỉ có thể áp dụng 4.0 từng bước một, thực hiện theo lộ trình. Công ty cũng đã thực hiện theo lộ trình, từng bước giảm chi phí, tăng giá trị gia tăng cho hạt gạo.

Theo Báo Vĩnh Long