[In trang]
Rút CO2 từ không khí để chuyển thành xăng/dầu
Thứ năm, 11/04/2019 - 14:53
Công ty năng lượng sạch Carbon Engineering của Canada đã hợp tác với các nhà khoa học của Đại học Harvard khám phá ra cách chiết xuất một loại nhiên liệu carbon trung tính bằng cách thu giữ CO2 từ không khí và biến thành xăng tổng hợp.

Công ty năng lượng sạch Carbon Engineering của Canada đã hợp tác với các nhà khoa học của Đại học Harvard khám phá ra cách chiết xuất một loại nhiên liệu carbon trung tính bằng cách thu giữ CO2 từ không khí và biến nó thành xăng tổng hợp.

Quá trình này được gọi là Air to Fuels (A2F), nói một cách đơn giản là chiết xuất carbon dioxide từ không khí, đưa nó qua các quá trình hóa học và tạo ra nhiên liệu hydrocarbon lỏng. 

Trong thực tế, để thu được nguồn nhiên liệu này sẽ phức tạp hơn một chút. Các nhà nghiên cứu của Carbon Engineering sử dụng công nghệ hút khí trực tiếp (DAC), hoạt động giống như pin năng lượng mặt trời mới, cho phép phân tách nước thành nhiên liệu hydro. Các nhà máy tái chế CO2 trích xuất CO2 từ không khí bằng cách sử dụng một tổ hợp cánh quạt, rồi kết hợp CO2 với hydrogen lỏng được tách ra từ nước bằng công nghệ độc quyền của mình. Cuối cùng, nhiên liệu lỏng carbon trung tính như xăng hoặc diesel được sinh ra. 

Điều này đồng nghĩa với việc người dùng không phải sửa đổi động cơ xe hiện tại của mình để sử dụng loại xăng tổng hợp này. Ngoài ra, CO2 có thể biến thành thể rắn lưu trữ để sử dụng dần.

Thách thức lớn nhất mà Carbon Engineering gặp phải là chi phí sản xuất. Trong một bản báo cáo đánh giá năng lực sản xuất, công ty này cho biết quy trình tổng hợp cho một tấn CO2 sẽ mất khoảng 94 - 232 USD, trong khi đó nguồn năng lượng hoá thạch chỉ vào khoảng 20 USD/thùng dầu thô, rẻ hơn rất nhiều so với công nghệ mới. Tuy nhiên, Carbon Engineering lạc quan rằng trong tương lai họ có thể sản xuất nhiên liệu tổng hợp với giá khoảng 1 USD/lít một khi quy mô sản xuất tăng lên.

Ông Geoff Holmes, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Carbon Engineering chia sẻ: "A2F (Air to Fuels) hoàn toàn khả thi vì nó tiêu tốn đất và nước ít hơn 100 lần so với nhiên liệu sinh học. Nhưng để công nghệ này trở nên phổ biến, chúng tôi phải giảm chi phí xuống ít hơn so với chi phí khai thác dầu hiện nay và có thể sẽ còn gặp khó khăn trong việc vận động các nước tin và chuyển sang sử dụng loại nhiên liệu mới này".

Ngọc Diệp (Theo http://carbonengineering.com/)