[In trang]
Số hoá quản lý hạ tầng lưới điện trên nền tảng ứng dụng công nghệ GIS
Thứ tư, 16/01/2019 - 10:06
Đề tài “Giải pháp số hoá quản lý hạ tầng lưới điện trên nền tảng ứng dụng công nghệ GIS” của nhóm tác giả thuộc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã đoạt giải Nhất tại Lễ tổng kết giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ lần thứ IX năm 2018 của tỉnh Thừa - Thiên Huế.

Đề tài “Giải pháp số hoá quản lý hạ tầng lưới điện trên nền tảng ứng dụng công nghệ GIS” của nhóm tác giả thuộc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã đoạt giải Nhất tại Lễ tổng kết giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ lần thứ IX năm 2018 của tỉnh Thừa - Thiên Huế. 

Xuất xứ Đề tài: 

Hiện các công ty điện lực đã được trang bị khá nhiều phần mềm quản lý, hoạt động hiệu quả như: PMIS - quản lý kỹ thuật, CMIS - quản lý khách hàng, DMS - quản lý lưới phân phối, SCADA - giám sát và thu thập dữ liệu… Tuy nhiên, các công ty điện lực vẫn chưa có được hệ thống dữ liệu dùng chung, nên khi có sự thay đổi về kỹ thuật trên lưới, phải cập nhật thông tin trên tất cả phần mềm liên quan. 

Nguyên nhân là do khối lượng quản lý trên lưới điện rất lớn, biến động thường xuyên, nên việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) lưới điện gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, năm 2017, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã nghiên cứu đề tài này, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý khách hàng, kỹ thuật, quản lý tài sản lưới điện và ứng dụng trong chỉ đạo điều hành quản lý sản xuất; đồng thời cho phép số hoá thông tin quản lý hạ tầng lưới điện một cách nhanh nhất, chính xác và hiệu quả khai thác cao.

PC Thừa Thiên - Huế đã ứng dụng hiệu quả giải pháp số hoá quản lý hạ tầng lưới điện trên nền tảng ứng dụng công nghệ GIS

* Các nội dung chính:

- Thiết kế kiến trúc hạ tầng bao gồm hệ thống mạng, máy chủ, tường lửa, hệ thống lưu trữ, hệ thống sao lưu; đồng thời nghiên cứu phương pháp quản lý, lưu trữ và đồng bộ CSDL theo mô hình tập trung (tại Công ty) và phân tán (theo từng điện lực).

- Nghiên cứu danh mục dữ liệu cần số hoá: Xây dựng danh mục dữ liệu đảm bảo quản lý đầy đủ thông tin lưới điện. Trên cơ sở đó, phân lớp đối tượng, phân nhóm lớp dữ liệu địa lý và các thuộc tính; đồng thời xác định mối quan hệ giữa các lớp dữ liệu và thiết lập các luật quan hệ, hành vi cho các lớp dữ liệu.

- Thiết kế CSDL GIS lưu trữ và quản lý: Thiết kế CSDL theo mô hình Enterprise Geodatabase của hãng ESRI, đáp ứng khả năng lưu trữ khối lượng dữ liệu lớn, cho phép làm việc nhiều người dùng; đồng thời có tính tương thích và hỗ trợ khả năng chia sẻ với các hệ thống CSDL GIS khác. Ngoài ra, CSDL cũng đã ứng dụng các tiêu chuẩn của hệ thống thông tin địa lý tỉnh Thừa Thiên Huế (GISHue), từ đó có thể tham gia vào phát triển trên hệ thống GISHue theo chủ trương của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Nghiên cứu xây dựng giải pháp số hoá dữ liệu theo 2 nền tảng: 

+ Đối với cán bộ làm việc tại hiện trường, sử dụng phân hệ trên hệ điều hành di động (Android) kết hợp công nghệ GPS để thu thập thông tin, dữ liệu; 

+ Đối với cán bộ làm việc tại đơn vị sử dụng phân hệ trên máy tính (hệ điều hành Windows) để cập nhật, hiệu chỉnh và chia sẻ dữ liệu.

Các chức năng chính:

- Kết hợp công nghệ định vị GPS từ các thiết bị định vị GPS cầm tay để nâng cao độ chính xác cho quá trình số hoá dữ liệu.

- Giải pháp tổ chức theo hướng nhiều người dùng cùng tham gia số hoá, thu thập số liệu đồng thời hỗ trợ khả năng hiệu chỉnh số liệu đã số hoá đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin tức thời trên lưới điện. 

- Hỗ trợ khả năng làm việc ngoại tuyến (offline) cho phép làm việc tại các khu vực có địa hình phức tạp, đường truyền internet không ổn định.

- CSDL được thiết kế nhằm tương thích với hệ thống dữ liệu của tỉnh Thừa Thiên Huế (GISHue), đồng thời hỗ trợ khai thác trên các hệ thống dữ liệu của Tổng Công ty Điện lực miền Trung và những nguồn dữ liệu của thế giới (bản đồ Google, ArcGIS).

Nhóm tác giả đón nhận giải Nhất tại Lễ Tổng kết Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ năm 2018 của tỉnh Thừa - Thiên Huế

* Hiệu quả kinh tế:

- Giảm thời gian mất điện của khách hàng, nâng cao chỉ số tiếp cận điện năng.

- Xác định nhanh các thiết bị sắp hết hạn sử dụng, khả năng hỏng hóc để có phương án bảo dưỡng, thay thế kịp thời; từ đó góp phần giảm sự cố trên lưới và hạn chế tổn thất điện năng.

- Hỗ trợ khảo sát đầu tư nâng cấp sửa chữa phù hợp, đặc biệt là những khu vực vùng ven biển nước mặn và khu vực nhiều sương muối; các loại vật tư thiết bị cần thay thế sửa chữa đúng định kỳ tránh những sự cố xảy ra. 

- Phục vụ tốt cho công tác quản lý kỹ thuật cũng như việc tính toán lưới điện có tính chất hệ thống, tạo tiền đề cho phát triển lưới điện thông minh.

* Hiệu quả kỹ thuật:

- Giúp các nhà quản lý nắm bắt nhanh, chính xác tình hình lưới điện trên địa bàn phụ trách.

- Cập nhật đầy đủ và chính xác thông tin về hiện trạng lưới điện; xác định được những thay đổi bất thường trên tuyến, trạm, đường dây, ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện. Từ đó có biện pháp ngăn chặn, khắc phục kịp thời.

- Tạo điều kiện thuận lợi trong quy hoạch, quản lý mạng lưới điện. Tối ưu hóa việc phát triển mạng lưới điện, tính toán được khối lượng công việc, đường dây, thiết bị cần sử dụng, hạn chế rủi ro, tổn thất.

- Tạo cơ sở xây dựng hệ thống lưới điện thông minh (SmartGrid). 

- Việc quản lý trực quan ngay trên bản đồ kết hợp việc định vị vị trí khách hàng giúp người điều hành có thể nhanh chóng đưa nhân lực di chuyển đến vị trí gặp sự cố và khắc phục trong thời gian sớm nhất.

* Hiệu quả xã hội:

- Công tác chăm sóc khách hàng được thực hiện tốt, nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

- Nâng cao độ an toàn lưới điện, đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

- Góp phần xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin địa lý về hạ tầng dùng chung cho các ban ngành, các dự án trong tỉnh; phục vụ xây dựng các dịch vụ đô thị thông minh của Tỉnh.

* Khả năng áp dụng:

- Có khả năng triển khai ngay cho các công ty điện lực còn lại trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam mà không phải đầu tư nhiều thời gian xây dựng lại phần mềm.

- Dữ liệu đã số hoá có khả năng chia sẻ nhanh với các đơn vị trong toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế để tham gia phát triển nguồn cơ sở dữ liệu hạ tầng dùng chung, phục vụ quản lý điều hành và định hướng phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.

Với thành công của Đề tài này, PC Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Điện lực miền Trung hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu GIS lưới điện ứng dụng vào điều hành sản xuất và kinh doanh. 

Theo Tạp chí Điện lực