[In trang]
Rào cản và giải pháp phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong bối cảnh CMCN 4.0
Thứ ba, 11/12/2018 - 14:18
Là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển đất nước, những năm gần đây ngành công nghiệp cơ khí đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo khả năng tham gia của các doanh nghiệp vào mảng sản xuất và phân phối toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế.

Là ngành công nghiệp nền tảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển đất nước, những năm gần đây ngành công nghiệp cơ khí đã có nhiều chuyển biến tích cực, đảm bảo khả năng tham gia của các doanh nghiệp vào mảng sản xuất và phân phối toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế. Mặc dù vậy, để phát triển bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra sâu rộng và có tác động đến rất nhiều lĩnh vực, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam cần phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tháo gỡ những vướng mắc, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững. 

Ngành công nghiệp nền tảng

Công nghiệp cơ khí được xem là “xương sống” của nền kinh tế, bởi đây là ngành công nghiệp nền tảng, hỗ trợ các ngành công nghiệp khác phát triển, như cung cấp công cụ, tư liệu sản xuất cho các lĩnh vực, từ sản xuất đến tiêu dùng…

Trong những năm vừa qua, được sự quan tâm của Chính phủ, ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể là số lượng các doanh nghiệp cơ khí đã tăng nhanh, từ khoảng10.000 doanh nghiệp năm 2010 lên hơn 21.000 doanh nghiệp năm 2016 (chiếm 28% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo), tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động... Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 214 tỷ USD, trong đó riêng lĩnh vực thiết bị, máy và phụ tùng đạt hơn 12,7 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng và phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy. Nếu tính cả sắt thép thì kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm cơ khí của Việt Nam đạt trên 16 tỷ USD. Hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụtùng ô tô. Số liệu thống kê cho thấy, ba phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản lượng ngành sản xuất cơ khí của cả nước.

Đạt được những kết quả như trên một phần là nhờ những chính sách hỗ trợ, ưu đãi được Chính phủ ban hành kịp thời, đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp cơ khí. Để hỗ trợ phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm, danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 với các ưu đãi về vốn vay, tín dụng. Đã có 11 dự án được chứng nhận là đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này, với tổng vốn đầu tư là 9.978,18 tỷ đồng. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (trong đó cơ khí giữ vị trí quan trọng), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, giúp các cơ quan quản lý và doanh nghiệp có cơ sở pháp lý đủ mạnh để triển khaicác chính sách phát triển ngành cơ khí. Hiện nay nhiều bộ/ngành, địa phương đang tích cực phối hợp đưa ra các chương trình hành động, giải pháp mang tính khả thi cao nhằm phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, thúc đẩy chuyên môn hóa, tăng cường liên kết doanh nghiệp trong chuỗi giá trị với các hãng sản xuất lắp ráp sản phẩm cơ khí…

Những rào cản khi tiếp cận CMCN 4.0

Mặc dù ngành công nghiệp cơ khí đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh cuộc CMCN4.0 đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Tiếp cận với cuộc CMCN4.0 sẽ mở ra nhiều khả năng và triển vọng về nguồn vốn, thị trường, dây chuyền công nghệ, nguồn nhân lực... để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Tuy nhiên, thực trạng trình độ công nghệ và thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam hiện nay đa phần vẫn còn lạc hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí mới ở trình độ công nghệ 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơkhí được chế tạo không đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ... Do vậy, ngành công nghiệp cơ khí đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, bao gồm:

Một là, hạn chế về thị trường: ngành cơ khí rất đa dạng về sản phẩm nhưng lại phải đối mặt với việc cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu tương đối gay gắt. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hoá chất, năng lượng… do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước cũng chưa xây dựng được thương hiệu nên chưa có nhiều khách hàng biết đến. Hơn nữa, các cam kết tự do thương mại cũng tạo thêm áp lực đối với doanh nghiệp cơ khí trong nước khi hàng rào thuế quan bảo hộ sản xuất trong nước bị gỡ bỏ trong khi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện được nhiều.

Hai là, hạn chế về trình độ khoa học và công nghệ: ngành cơ khí trong nước có rất ít các sáng chế được đăng ký ở trong và ngoài nước; trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn ngành nhìn chung vẫn còn chậm đổi mới. Các doanh nghiệp cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích luỹ và đầu tư đổi mới công nghệ. Đây chính là vòng luẩn quẩn trong phát triển của ngành cơ khí Việt Nam. Trong bối cảnh CMCN 4.0, nhiều công nghệ mới đã ra đời, làm thay đổi hoàn toàn cách thức, phương thức sản xuất hiện nay nhưng việc đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ mới trong các doanh nghiệp cơ khí còn rất chậm.

Ba là, nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, tuy nhiên hầu hết cácnguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu. Hiện nay, trong nước cũng chưa có chính sách hợp lý để khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, qua đó nâng dần tỷ lệ nội địa hoá và thu mua nguyên phụ liệu trong nước.

Bốn là, nhân lực ngành cơ khí nhìn chung còn thiếu và yếu cả về số lượng và chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút nhiều, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ. Lực lượng nghiên cứu - triển khai (trước hết là lực lượng tư vấn thiết kế) chưa đạt trình độ cao, chưa đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.

Năm là, các hiệp hội ngành nghề chưa phát huy được tính đại diện trong tập hợp ý kiến và hành động chung, chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các doanh nghiệp thành viên với nhau. Hiện nay, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam mới thu hút được sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp trong tổng số trên 21.000 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cơ khí…

Giải pháp phát triển

Nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí đổi mới công nghệ và trang thiết bị, đẩy nhanh việc áp dụng các thành tựu công nghệ của CMCN 4.0 vào sản xuất, một số giải pháp cần phải triển khai trong thời gian tới là:

Thứ nhất, giải pháp về chính sách: hoàn thiện hệ thống chính sách đồng bộ và đủ mạnh để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo. Trước mắt, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định về phát triển ngành công nghiệp chế tạo, trong đó tập trung giải quyết các vấn đề về phát triển thị trường và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cơ khí.

Thứ hai, giải pháp về phát triểnthị trường: phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn trong lĩnh vực cơ khí có quy mô chuỗi cung ứng lớn để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước tham gia cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành cơ khí có tiềm năng như ô tô, thiết bị công nghiệp, cơ khí gia dụng và dụng cụ…

Thứ ba, nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp cơ khí có trình độ công nghệ, thương hiệu trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp cơ khí.

Thứ tư, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp cơ khí bằng việc đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa quy trình sản xuất, nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn/ quy chuẩn cho các sản phẩm cơ khí; đồng thời phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ quan kiểm tra, kiểm định theo tiêu chuẩn/quy chuẩn, đặc biệt là các công nghệ mới của CMCN 4.0.

Thứ 5, cần có biện pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu trong sản xuất cơ khí; chủ động đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đối với ngành cơ khí.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là CMCN4.0 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến rất nhiều khía cạnh của đời sống xã hội… sẽ là những thách thức, đồng thời cũng là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chủ động thay đổi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Phạm Tuấn Anh 

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương

(Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 10 năm 2018)