[In trang]
Để nắm bắt cách mạng công nghiệp 4.0: Cần một tầm nhìn thời đại
Thứ hai, 10/12/2018 - 09:10
Việc nắm bắt cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) không phải là một trào lưu nhất thời mà là một hành trình lâu dài và quả cảm.
Việc nắm bắt cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) không phải là một trào lưu nhất thời mà là một hành trình lâu dài và quả cảm. Nó đòi hỏi phải được chỉ dẫn bởi một chiến lược được chuẩn bị thấu đáo với tầm nhìn thời đại, trong đó có 3 nguyên tắc chỉ đạo cần được đặc biệt coi trọng: Nâng tầm chiến lược trong kiến tạo giá trị; Tăng độ thông thái trong khai thác động lực phát triển; và Tỉnh táo vượt qua các cạm bẫy.
Thế giới đang trải qua những đổi thay chưa từng có với nhịp độ ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc tới mức khó ai có thể hình dung được điều gì sẽ xảy ra trong 2-3 thập kỷ tới. Điều đặc biệt của quá trình đổi thay này là sự tương tác nội sinh, cộng hưởng giữa thay đổi phương thức vận hành xã hội (PTVHXH) và các động lực đổi thay (ĐLĐT). Những thay đổi cấu trúc trong PTVHXH có tác động trở lại tới các ĐLĐT, làm chúng không chỉ mạnh lên mà còn làm sản sinh ra những ĐLĐT mới với sức mạnh tiềm tàng chưa từng có.
Một xu thế lớn trong thay đổi PTVHXH là sự chuyển dịch về phân bổ quyền lực và thước đo giá trị trong xã hội. Các cộng đồng mạng có ảnh hưởng ngày càng lớn đến việc hoạch định chính sách và giám sát hiệu quả hoạt động của chính phủ; các công ty khởi nghiệp vượt qua các doanh nghiệp lớn trong cải biến các ngành công nghiệp. Thêm nữa, vị thế và ảnh hưởng toàn cầu của một quốc gia ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào những thành quả nó được kỳ vọng sẽ tạo ra cho tương lai hơn là những di sản nó đã có được từ quá khứ, dù các di sản này có lớn đến đâu. Bởi lẽ, sức cạnh tranh của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào thế mạnh hiện tại mà cả năng lực thích nghi chiến lược để tạo nên lợi thế trong tương lai.
Nắm bắt CMCN 4.0 là một nỗ lực đột phá giúp cho một quốc gia có thể tạo nên những bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển. Tuy nhiên, việc nắm bắt CMCN 4.0 không phải là một trào lưu nhất thời mà là một hành trình lâu dài và quả cảm. Nó đòi hỏi phải được chỉ dẫn bởi một chiến lược được chuẩn bị thấu đáo với tầm nhìn thời đại, trong đó 3 nguyên tắc chỉ đạo sau cần được đặc biệt coi trọng: Nâng tầm chiến lược trong kiến tạo giá trị; Tăng độ thông thái trong khai thác động lực phát triển; Tỉnh táo vượt qua các cạm bẫy.
Nguyên tắc 1: Nâng tầm chiến lược trong kiến tạo giá trị
Mỗi quyết sách đều cần có mục tiêu rõ ràng trong kiến tạo giá trị theo hai trục: “hiệu quả” và “hiệu lực”. Theo trục “hiệu quả”, quyết sách chú trọng vào các quan tâm hiện tại với nỗ lực tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí và tăng lợi ích trước mắt. Hướng đi này ưu tiên nâng cao năng lực vận hành và tối ưu hóa quản lý nguồn lực. Theo trục “hiệu lực”, quyết sách coi trọng tạo nên giá trị chiến lược, bao gồm sự tiến gần hơn đến tầm nhìn mà xã hội cùng mong ước và củng cố hơn niềm tin của người dân vào tương lai phía trước.
Cả hai trục “hiệu quả” và “hiệu lực” đều rất quan trọng trong mỗi nỗ lực kiến tạo giá trị. Trục “hiệu lực” cần đóng vai trò chủ đạo và có tính nền tảng. Thiên lệch về “hiệu quả” ngắn hạn và coi nhẹ thước đo “hiệu lực” có thể tạo ra tổn thất chiến lược rất lớn, đặc biệt là trước những đổi thay nhanh chóng của kỷ nguyên CMCN 4.0. Vì vậy, trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái số cho Việt Nam, Chính phủ cần đặc biệt coi trọng vai trò của các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon…, khích lệ các doanh nghiệp bản địa hợp tác và cạnh tranh bình đẳng để tất cả cùng lớn lên trong một tổng thể gắn bó chiến lược. Bài toán phát triển của Việt Nam là giành một vị thế xứng đáng trên toàn cầu trong tương lai chứ không phải là hơn được trong một ứng dụng cụ thể, dù đó là mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm. Các công ty công nghệ toàn cầu là những nguồn lực vô giá mà mỗi quốc gia muốn tiến nhanh về tương lai phải nỗ lực khai thác triệt để. Thiết lập mối quan hệ chiến lược toàn diện với các công ty này cũng quan trọng như với các quốc gia lớn. Chúng ta cần tới Google, Facebook, Amazon… không chỉ đơn thuần là do cần tới các ứng dụng của họ mà là cần đến xung lực của họ giúp tạo ra công cuộc cải biến số ngày càng toàn diện và sâu sắc của Việt Nam.
Nguyên tắc 2: Tăng độ thông thái trong khai thác động lực phát triển
Hai động lực lớn của công cuộc phát triển là xúc cảm và khai sáng. Xúc cảm tạo nên khát vọng lớn và quyết tâm cao. Khai sáng giúp tạo nên nền tảng vững chắc và chiến lược sáng suốt cho hành trình phía trước. Trong khi động lực xúc cảm là nguồn năng lượng dồi dào, động lực khai sáng có vai trò dắt dẫn. Nếu động lực khai sáng không được khơi dậy và khai thác, một dân tộc có thể phung phí động lực xúc cảm của mình vào những sai lầm đắt giá.
Là một đất nước nghèo, chịu nhiều đau thương trong lịch sử, động lực xúc cảm của người Việt Nam rất lớn, nếu không nói là vô tận. Động lực này đang từng bước được khơi dậy và khai thác hiệu quả trong công cuộc đổi mới nhờ sự lớn mạnh của động lực khai sáng, đặc biệt khi Việt Nam coi trọng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và mạnh dạn nắm bắt cuộc CMCN 4.0.
Tuy nhiên, trong khơi dậy và khai thác các động lực phát triển, Việt Nam cần thấu hiểu điểm yếu, dễ tổn thương của mình là nặng về xúc cảm và thiếu tính khai sáng khi đương đầu với các vấn đề phức tạp, đòi hỏi quyết sách lớn. Coi trọng khai thác động lực khai sáng không chỉ giúp Việt Nam có cái nhìn sáng rõ về tương lai mà còn giúp cho động lực xúc cảm lớn mạnh vượt bậc và dồn đúng vào những nỗ lực chiến lược.
Trong khai thác động lực khai sáng, cần chú ý công cụ khuyến khích và tạo nên các nền tảng hợptác chiến lược hơn là đưa ra những quy chế quản lý thiếu tầm nhìn sáng rõ về tương lai. Chẳng hạn, trong quan hệ với Google, Facebook, Amazon… về quản lý thu thuế và mở văn phòng hay đặt trung tâm dữ liệu ở Việt Nam, thay vì đưa ra đạo luật có tính ép buộc, chúng ta nên cùng họ bàn các phương cách hợp tác chiến lược. Về thu thuế, có thể dành một tỷ lệ nhỏ (2-3%) phí quản lý cho khoản thuế thu được trong 3 năm tới. Mức này có thể giảm đi theo thời gian. Đồng thời bàn với họ về lộ trình dự kiến và các điều kiện cần hỗ trợ để họ có thể lập văn phòng và tiến tới đầu tư đặt các trung tâm dữ liệu toàn cầu của họ ở Việt Nam. Cần lưu ý là vùng Đà Lạt của Việt Nam có điều kiện rất lý tưởng để các tập đoàn công nghệ đa quốc gia đặt các trung tâm dữ liệu toàn cầu: đó là an ninh và ổn định chính trị, không rủi ro về thảm họa thiên nhiên như động đất và lụt bão, và điều kiện thời tiết mát mẻ giúp chi phí năng lượng thấp.
Nguyên tắc 3: Tỉnh táo vượt qua các cạm bẫy
Việt Nam đã có những thành quả bước đầu đáng tự hào trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, chặng đường đi đến phồn vinh còn rất xa và có vô vàn cạm bẫy. Tầm nhìn thời đại đòi hỏi mỗi quốc gia và doanh nghiệp phải hết sức tỉnh táo để vượt qua các cạm bẫy, đặc biệt là 3 cạm bẫy: “niềm tin thái quá”, “vũ khí vạn năng”, và “sao nhãng học hỏi”.
Thứ nhất, cạm bẫy “niềm tin thái quá”. Người thành công trong nhiều nỗ lực lớn đã qua thường hình thành niềm tin thái quá, rằng mình làm gì cũng thành công và không ngần ngại mở rộng kinh doanh có thể vượt sức mình. Điều cần lưu ý là trong khi cuộc CMCN 4.0 mở ra cho các quốc gia và doanh nghiệp vô vàn cơ hội, nó cũng sẽ góp phần tạo nên những cơn bão khủng khiếp có quy mô toàn cầu trong nhữngnăm tới.
Thứ hai, cạm bẫy “vũ khí vạn năng”. Trong cạm bẫy này, phương cách đã đem lại nhiều thành công trong quá khứ thường được coi là vũ khí vạn năng nên thường được áp dụng mạnh hơn, quyết liệt hơn với kỳ vọng đạt được thành công lớn hơn trong các nỗ lực tương lai. Rơi vào cạm bẫy này không chỉ là một lựa chọn đem lại hiệu quả thấp trong tình thế đã đổi thay mà còn tạo nguy cơ xem nhẹ nỗ lực tạo ra những lợi thế mới, có vai trò thiết yếu hơn cho thành công trong tương lai. Chẳng hạn, nhiều địa phương ở Việt Nam có nguy cơ rơi vào cạm bẫy này khi coi công cụ ưu đãi quan trọng hơn xây dựng thể chế ưu tú trong nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, cạm bẫy “sao nhãng học hỏi”. Sa vào cạm bẫy này, một quốc gia hay doanh nghiệp, do quá tự hào về thành quả đã đạt được và năng lực hiện có, sẽ bỏ qua những tín hiệu chiến lược quan trọng, đặc biệt từ những trải nghiệm thất bại và ý kiến trái chiều. Do vậy, họ sẽ chậm trễ trong những đổi thay cấp thiết và do vậy bỏ lỡ những cơ hội vô giá của công cuộc phát triển.
Kỷ nguyên CMCN 4.0 đang đem lại cho Việt Nam những vận hội lớn chưa từng có để làm nên những bước tiến vượt bậc trong công cuộc phát triển của mình. Tuy nhiên, những nỗ lực nắm bắt CMCN 4.0, chỉ thành công nếu Việt Nam khơi dậy được khát vọng trỗi dậy của dân tộc và tư duy khai sáng với tầm nhìn thời đại. Trách nhiệm này thuộc về mỗi người dân Việt Nam, dù ở đâu và ở cương vị nào.
PGS.TS Vũ Minh Khương
Đại học Quốc gia Singapore
(Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ số 10 năm 2018)