[In trang]
“CMCN 4.0 là cơ hội lớn, nếu không nắm được sẽ tiếp tục bị tụt hậu”
Thứ tư, 28/11/2018 - 08:28
Đó là phát biểu của TS Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng Ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tại diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam” được tổ chức ngày 27/11/2018 tại Hà Nội.

Đó là phát biểu của TS Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng Ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tại diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam” được tổ chức ngày 27/11/2018 tại Hà Nội

Công nghiệp 4.0 được hiểu là thiết lập mạng lưới thông minh kết nối các máy móc, thiết bị và quy trình cho công nghệp với sự trợ giúp của công nghệ thông tin và truyền thông. Trên thế giới, nhiều nước đã và đang xây dựng các chính sách, chiến lược để triển khai sức mạnh của CMCN 4.0 như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia,…

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia CMCN 4.0 như Chỉ thị 16 của Thủ tướng về Tăng cường tham gia CMCN 4.0 ngày 4/5/2017 hay Nghị quyết 23 về Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, trong đó xác định: “Khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo giữ vị trí then chốt, là khâu đột phá trong chính sách công nghiệp quốc gia; tận dụng hiệu quả lợi thế của nước đi sau trong công nghiệp hóa, đặc biệt là cuộc CMCN lần thứ 4 để có cách tiếp cận, đi tắt, đón đầu một cách hợp lý trong phát triển các ngành công nghiệp”.

CMCN 4.0 tạo ra hàng triệu việc làm

Đối với Việt Nam, CMCN 4.0 có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, đặc biệt là đến GDP và việc làm. Cụ thể, CMCN 4.0 có thể thức đẩy GDP của nước ta tăng thêm 28,5 tỷ - 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP 7% - 16% đến năm 2030. GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315$ - 640$/người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm. Ước tính 1,3 triệu – 3,1 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra nhờ CMCN 4.0. 

Giá trị gia tăng của các ngành truyền thống được dự báo tăng thêm như ngành chế tạo với mức giá trị gia tăng tăng thêm từ 7 -14 tỷ USD tùy mức độ ứng dụng; ngành nông nghiệp truyền thống với mức tăng 4,9 tỷ USD nhờ tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất; ngành tài chính tăng thêm 3,5 tỷ USD nhờ có thêm sản phẩm, dịch vụ và tiết kiệm chi phí; ngành thông tin và truyền thông tăng 2,5 tỷ USD – tăng 77% so với trường hợp không thực hiện CMCN 4.0. Ngoài ra, một số ngành khác như hành chính công, cung cấp điện/năng lượng, cấp nước, xử lý nước thải cũng được hưởng lợi đáng kể. 

Xét theo khả năng hấp thụ CMCN 4.0 và tầm quan trọng, các ngành gồm chế biến, chế tạo; thương mại, bán lẻ; nông nghiệp; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thông tin và truyền thông là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. 

Trong khi đó, các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0 như thương mại điện tử, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây,…sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển sản phẩm dịch vụ mới. 

Thuận lợi và thách thức

Với dân số 96 triệu dân, trong đó 67% dân số sử dụng internet, 57% dân số tích cực sử dụng mạng xã hội và 73% dân số có điện thoại di động cá nhân được xem là một thuận lợi của Việt Nam trong quá trình thực hiện CMCN 4.0. Việt Nam còn là thị trường tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông lớn. Việt Nam cũng sở hữu nền tảng công nghệ 4G vững chắc với tỷ lệ thuê bao điện thoại di động lớn ở mức 139 thuê bao/100 dân, thấp hơn Singapore nhưng cao hơn Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trung bình và lớn đã có kế hoạch và đã đầu tư chuyển đổi công nghệ, số lượng robot công nghiệp tăng nhanh, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến điện toán đám mây, internet vạn vật,…Trong số các công ty công nghệ, những công ty hàng đầu như Viettel, FPT, CMC,…đã chuyển sự tập trung sang các công nghệ đột phá mới, chủ yếu vào điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn. Đặc biệt, một số doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh ngày càng tăng. Nhìn tổng thể, Việt Nam có nguồn nhân lực ổn định để hỗ trợ các ngành công nghiệp tiên tiến với chất lượng khá tốt, được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao. Đây được xem là những thuận lợi của Việt Nam trong quá trình thực hiện CMCN 4.0.

Tuy nhiên, song song với những thuận lợi, những thách thức đặt ra đối với Việt Nam cũng không hề ít. Thực tế cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều khó khăn. Thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam nhìn chung chưa phù hợp với đổi mới sáng tạo. Pháp luật về kinh doanh chậm thay đổi trước các xu hướng công nghệ và thị trường.  

Về hạ tầng kỹ thuật số, mặc dù mạng cáp quang phủ rộng, thị trường băng thộng rộng có dây ở Việt Nam tăng trưởng ổn định trong vài năm qua nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực hiện CMCN 4.0. Số lượng trung tâm dữ liệu chuyên dụng cho doanh nghiệp của nước ta (9 trung tâm) ít hơn rất nhiều so với các nước láng giềng Đông Nam Á như Singapore và Indonesia. Trong khi đó, đại đa số doanh nghiệp Việt Nam có trình độ công nghệ thấp và chưa quan tâm đến ứng dụng công nghệ mới, năng lực khoa học công nghệ của Việt Nam còn rất khiêm tốn so với các nước trên thế giới,…

Giải pháp chính sách 

Tại diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam” được tổ chức ngày 27/11/2018 tại Hà Nội, TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng Ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã đề xuất 6 nhóm giải pháp giúp Việt Nam thực hiện CMCN 4.0, trong đó, xây dựng nền tảng cho CMCN 4.0 là giải pháp đầu tiên được đề cập tới.

Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam”

 

TS. Vinh cho rằng, về thể chế, cần rà soát sửa đổi thể chế quản lý kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trên nền tảng số; xây dựng chính sách về dữ liệu; rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế cho các ngành công nghiệp mới xuất hiện,…Về hạ tầng, cần triển khai 5G trong thời gian sớm nhất; đẩy nhanh việc hình thành các cơ sở dữ liệu quốc gia; đồng thời mở rộng băng thông internet trong nước và quốc tế. Một yếu tố khác trong xây dựng nền tảng cho CMCN 4.0 tại Việt Nam được TS. Vinh nhắc tới đó chính là nhân lực. Theo TS. Vinh, cần tăng số lượng nhân lực ngành IT và liên quan, mở các ngành đào tạo mới về trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu,…Để chuẩn bị nhân lực cho tương lai, cần điều chỉnh chương trình đào tạo phổ thông và đại học.

Một giải pháp khác được đề xuất tại diễn đàn là chuyển đổi quản trị nhà nước. Đây là yếu tố có quan hệ trực tiếp đến hoạt động khoa học công nghệ, hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Cụ thể, giải pháp được đề xuất ở đây là xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số. Trên nền chính phủ điện tử, chúng ta sẽ quản lý tốt hơn và vừa tạo ra nhu cầu cho các công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, giải pháp đào tạo nhân lực quản lý nhân lực cũng rất quan trọng.

Giải pháp tiếp theo được đề xuất là hỗ trợ doanh nghiệp tham gia CMCN 4.0. Để làm được điều này, theo TS. Vinh cần rà soát, sửa đổi các quy định thúc đẩy R&D và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong doanh nghiệp ưu tiên các lĩnh vực như chế tạo, thông tin và truyền thông, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, thương mại.

Bên cạnh đó, phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo thông qua việc xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và thành lập quỹ đầu tư nhà nước cũng như đổi mới hệ thống khoa học công nghệ, tập trung phát triển một số công nghệ mới.

Cuối cùng, cần thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp 4.0 và tập trung đầu tư, phát triển một số công nghệ mới, ứng dụng đa ngành, có lợi thế và tiềm năng phát triển. 

Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, nếu chậm cải cách, phát triển, nguy cơ bị mất thị phần ngay trên thị trường trong nước rất lớn, số doanh nghiệp bị đóng cửa tăng lên. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất là phải cải cách, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh, sáng tạo, giảm chi phí không chính thức, cũng như giảm sự can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp. 

Nhật Linh