[In trang]
Điện mặt trời nổi: Giải pháp của tương lai
Thứ ba, 13/11/2018 - 15:15
Với lợi thế về hệ thống sông, hồ, việc đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt hồ thủy điện là giải pháp tối ưu của Việt Nam trong bối cảnh diện tích đất khan hiếm như hiện nay.

Với lợi thế về hệ thống sông, hồ, việc đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt hồ thủy điện là giải pháp tối ưu của Việt Nam trong bối cảnh diện tích đất khan hiếm như hiện nay.

Mô hình điện mặt trời nổi

Nhiều ưu điểm

Điện mặt trời là loại năng lượng sạch, giá thành sản xuất ít biến động, chi phí đầu tư luôn giảm theo thời gian nhờ sự phát triển của công nghệ sản xuất các tấm pin quang điện. Tuy vậy, loại năng lượng này có nhược điểm cần diện tích đất lớn để chứa các tấm pin quang điện. Đây được cho là trở ngại hàng đầu trong đầu tư phát triển điện mặt trời, bởi chi phí giải phóng mặt bằng lớn, quỹ đất tại các địa phương có hạn. Vì thế, các chuyên gia về năng lượng đã đưa ra giải pháp về điện mặt trời nổi, tức là tận dụng các hồ thủy điện để lắp đặt các tấm pin tích nạp năng lượng từ ánh nắng mặt trời.

Hiện nay, trên thế giới, các nước làm điện mặt trời nổi thường là những quốc gia không có đất cho các công trình điện mặt trời, như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Philippines... Ưu điểm chính của năng lượng mặt trời nổi là tổng chi phí đưa điện đến người tiêu dùng không quá khác biệt so với các trạm điện trong đất liền, thậm chí thấp hơn vì cần ít hạ tầng cấp điện hơn. Ngoài ra, xây dựng nhà máy điện mặt trời trên các hồ chứa hiện có sẽ tiết kiệm diện tích đất, chi phí thu hồi đất đai. So với các hệ thống truyền thống khác, điện mặt trời nổi dễ lắp đặt, an toàn ở biển; làm mát từ biển, từ đó cho công suất lớn hơn 10%; không cần tấm PV xoay vòng nhiệt hoặc rung do gió; chống bão…

Tuy nhiên, thách thức đặt ra lại là hệ thống phao thường vận chuyển với giá không rẻ, từ 18-25 container/1MW. Vấy bẩn, phân chim, biến dạng đàn hồi ngoài khơi cũng là vấn đề lớn cần giải quyết.

Đẩy mạnh phát triển

Tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu cơ khí đã nhanh chóng phối hợp với các đơn vị khác cùng nghiên cứu, sản xuất một số thiết bị cho các nhà máy điện mặt trời nổi như: Hệ thống phao nổi, neo, vật liệu chế tạo phao nổi, các tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra độ bền cơ lý hóa, độ bền theo thời gian; phương án sản xuất, kết nối, lắp phao tại hiện trường; máy móc, thiết bị chế tạo, lắp đặt phao; tính toán, thiết kế hệ thống neo; nghiên cứu tấm PV, hệ thống kết nối, truyền tải điện, inverter, hệ thống đo lường, điều khiển…

Công ty Solkiss (Hàn Quốc) mới có những chuyến khảo sát hồ Thủy điện Thác Bà (Yên Bái) để chuẩn bị xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã xem xét triển khai một loạt dự án điện mặt trời ở các khu vực hồ thủy điện như: Hồ Trị An, công suất 126MW (Đồng Nai); hồ Sê San 4, công suất 47MW (Gia Lai); hồ Đa Mi, công suất 47.5MW (Bình Thuận). Mới đây, đoàn doanh nghiệp Na Uy cũng khảo sát tại Việt Nam với mong muốn tìm kiếm đối tác để phát triển năng lượng mặt trời nổi.

Ông Are Gloersen - Giám đốc khu vực châu Á (Công ty Ocean Sun) - cho rằng, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Hệ thống sông, hồ của Việt Nam, trong đó có lòng hồ thủy điện, rất phù hợp với các giải pháp công nghệ điện mặt trời nổi mà công ty cung cấp. Với công nghệ này, có thể phát triển điện mặt trời quy mô lớn mà không tác động tới đất nông nghiệp và hệ sinh thái trong nước. Đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam - khu vực có nhiều ánh nắng - là địa điểm lý tưởng cho lắp đặt các trạm điện mặt trời PV nổi quy mô lớn.

Ông Are Gloersen - Giám đốc khu vực châu Á (Công ty Ocean Sun):

Công nghệ năng lượng mặt trời nổi cho phép phát triển năng lượng mặt trời quy mô lớn trên đại dương, hồ và hồ chứa. Công nghệ này dựa trên các mô - đun năng lượng mặt trời silicon đã được sửa đổi để triển khai trên các cấu trúc nổi đặc biệt. Tất cả các thành phần hệ thống được dựa trên các vật liệu thân thiện môi trường, với lượng khí thải CO2 tối thiểu.

Theo Báo Công Thương