[In trang]
Phát triển Công nghiệp hóa dược tại Việt Nam
Thứ ba, 13/11/2018 - 15:13
Ngày 9/11/2018, tại Hà Nội, Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển Công nghiệp hóa dược" với sự phối hợp của Hội Hoá dược Việt Nam.

Nhiều kết quả ấn tượng

Ngày 9/11/2018, tại Hà Nội, Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển Công nghiệp hóa dược" với sự phối hợp của Hội Hoá dược Việt Nam. Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ ngành và các công ty, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm trong nước.

Chương trình hóa dược triển khai hoạt động từ năm 2008. Trong giai đoạn 2008-2017, Chương trình Hóa dược đã nghiên cứu và hoàn thiện các quy trình chiết xuất, tổng hợp và bán tổng hợp nhiều loại nguyên liệu quan trọng trong ngành Công nghiệp dược. Đã có 14 giải pháp hữu ích; 31 đăng ký bảo hộ quyền sở hữu; 01 sáng chế và 155 bài báo trong nước và quốc tế được thực hiện trong giai đoạn này.

Hội thảo "Phát triển Công nghiệp Hóa dược" do Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) và Hội Hoá dược Việt Nam tổ chức

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho biết, từ những kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án đã được nhiều Công ty ứng dụng triển khai sản xuất và thương mại đem lại hiệu quả to lớn; Góp phần tư vấn, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho nhà máy hóa dược.  

Thông qua việc thực hiện các đề tài dự án, Chương trình Hóa dược đã trang bị một khối lượng lớn các thiết bị phục vụ thí nghiệm hiện đại cho các phòng thí nghiệm của một số viện, trường đại học và các công ty hoạt động khoa học và công nghệ nhằm phục vụ nhu cầu thực hiện đề tài, dự án, tạo cơ hội cho các các bộ phòng thí nghiệm, các cán bộ kỹ thuật được tiếp xúc với các trang thiết bị, phương pháp nghiên cứu của khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, việc ứng dụng các sản phẩm của đề tài, dự án vào thực tiễn đã góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng, giảm chi phí, phụ thuộc vào các thuốc nhập ngoại.

Không ít khó khăn

Bên cạnh nhiều kết quả ấn tượng đạt được, ông Thanh cũng thừa nhận còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình Hóa dược mặc dù đã có nhiều cải thiện về cơ chế, nguồn lực đầu tư, khắc phục những vướng mắc phát sinh.

Theo ông Thanh, Chương trình Hóa dược dù đã tập trung chủ yếu sản xuất nguyên liệu dược, các sản phẩm của đề tài, dự án đều đã đạt các tiêu chuẩn của Dược điển (Mỹ, Đức...) nhưng một số quy định  vẫn chưa thông thoáng nên gây khá nhiều khó khăn cho việc triển khai kết quả nghiên cứu.

Ngoài ra, các sản phẩm của Chương trình Hóa dược để được đưa vào bào chế thành thuốc cần phải thông qua hội đồng y đức và thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, nội dung thử nghiệm lâm sàng không có trong nội dung hỗ trợ của Chương trình Hóa dược. Chi phí cho thử nghiệm lâm sàng lớn, các Viện nghiên cứu, các trường đại học và các doanh nghiệp sản xuất nhỏ không thể đầu tư thử nghiệm lâm sàng.

Để đảm bảo phát triển ngành hóa dược trong nước, ông Thanh cho rằng, cần có chính sách riêng, ưu đãi đối với nguyên liệu hóa dược là kết quả nghiên cứu của đề tài dự án thuộc Chương trình Hóa dược, và các chính sách hỗ trợ triển khai kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án thử nghiệm sản xuất. Đồng thời, bổ sung nội dung hỗ trợ kinh phí thử nghiệm lâm sàng vào các nội dung hỗ trợ của Chương trình Hóa dược; tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác hợp tác quốc tế của Chương trình Hóa dược; đẩy nhanh đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành hóa dược...

“Đề nghị tiếp tục cho phép Chương trình Hóa dược tiếp tục triển khai thực hiện cho giai đoạn sau năm 2020. Có cơ chế hỗ trợ đối với tài sản của dự án thử nghiệm do các công ty không có vốn Nhà nước thực hiện”, ông Nguyễn Văn Thanh đề xuất.

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến tham gia đóng góp cũng cho rằng, Ban chỉ đạo Chương trình Hóa dược cần có biện pháp đơn giản hóa thủ tục để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào Chương trình. Cần đồng bộ trong quy hoạch, chính sách, công nghiệp phụ trợ. Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi thêm kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật về phát triển hóa dược...

Nhật Linh