[In trang]
Khai mạc giải đấu “Robot đại chiến – Robofight 2018”
Thứ năm, 08/11/2018 - 10:08
Ngày 6/11/2018, giải đấu “Robot đại chiến – Robofight 2018” đã chính thức được khai mạc tại trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM.

Ngày 6/11/2018, giải đấu “Robot đại chiến – Robofight 2018” đã chính thức được khai mạc tại trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP.HCM. Đây là giải đấu robot chiến đấu đầu tiên tại Việt Nam do Hội Doanh nghiệp Cơ Khí - Điện TP.HCM (HAMEE) tổ chức.

Quang cảnh lễ khai mạc giải đấu "Robot đại chiến – Robofight 2018”

Mang phong cách đối kháng được tổ chức dựa trên cấu trúc chương trình quốc tế BattleBots của Mỹ, “Robot đại chiến – Robofight 2018” là cuộc đấu của sức mạnh đến từ công nghệ, chiến thuật và khả năng điều khiển tài tình của các đội chơi. Giải đấu nhằm mục tiêu tạo sân chơi sáng tạo và sôi động hàng năm cho doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng; tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp với sinh viên và nhà trường; tiến tới tổ chức trên toàn quốc và tham gia giải đấu quốc tế BattleBots tại Mỹ.

Theo ông Kiều Huỳnh Sơn - Phó Chủ tịch HAMEE, Trưởng ban tổ chức giải, giải đấu đem lại sân chơi mới cho sinh viên. Qua giải đấu, sự gắn kết giữa các doanh nghiệp, các nhà trường đã hình thành và dẫn đến các dự án, cơ hội hợp tác lớn, hiệu quả hơn.

Một số robot tham gia giải đấu

Ngay sau lễ khai mạc, các trận đấu nảy lửa đã được diễn ra. 20 robot tham dự giải đấu thể hiện đa dạng phong cách chiến đấu của các đội. Có những đội đặt nặng khả năng phòng thủ trong khi nhiều robot được thiết kế với sức chiến đấu rất cao nhằm hủy diệt đối thủ một cách nhanh nhất.

Có 18 doanh nghiệp trực thuộc HAMEE đã tài trợ chi phí chế tạo robot cho các đội chơi của các trường đại học.

Robofight 2018 có sự tham gia của 20 đội đến từ 8 trường đại học và doanh nghiệp trên địa bàn TP. HCM; sau khi bốc thăm và phân bảng, giải đấu sẽ có 31 trận, mỗi trận 3 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 3 phút. Dự kiến, giải đấu sẽ kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12/2018.

Giải đấu có mức giải thưởng cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Các đội chơi được 18 doanh nghiệp tài trợ chi phí chế tạo robot. Tất cả các robot đều phải gắn thiết bị ngắt nguồn từ xa theo tiêu chuẩn của ban tổ chức. Nguồn động lực robot khi cấp đến các cơ cấu động lực phải đi qua thiết bị ngắt nguồn từ xa này. Dòng tối đa của thiết bị là 100A DC. 

Ngọc Mai