[In trang]
Ngành công nghiệp Lọc – Hóa dầu Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Thứ hai, 22/10/2018 - 09:50
Ngày 12/10/2018, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Ngành công nghiệp Lọc – Hóa dầu Việt Nam: Cơ hội và thách thức” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn và các doanh nghiệp dầu khí.

Ngày 12/10/2018, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo “Ngành công nghiệp Lọc – Hóa dầu Việt Nam: Cơ hội và thách thức” với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn và các doanh nghiệp dầu khí.

Theo nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam, cơ hội phát triển ngành công nghiệp hóa dầu ở Việt Nam là rất lớn. Viện Dầu khí cũng chỉ ra rằng: Ngành hóa dầu cần tập trung phát triển lĩnh vực hóa dầu (đặc biệt hóa dầu từ dầu thô/hóa dầu từ khí thiên nhiên và HVA), ưu tiên tích hợp với các nhà máy hiện hữu để tận dụng thế mạnh về cơ sở hạ tầng sẵn có, nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm của NMLD/LHLHD hiện hữu…

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San

Phó TGĐ Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), ông Nguyễn Văn Hội cho biết 9 tháng qua, nhà máy Dung Quất đạt sản lượng 5,3 triệu tấn, doanh thu 83,8 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 9,3 nghìn tỷ đồng.

Dù vậy, thách thức đối với nhà máy trong thời gian ngắn, trung và dài hạn là rất lớn. Đó là việc nguồn dầu thô ngọt trong nước đang suy giảm dần về sản lượng và chất lượng. Mặc khác,với yêu cầu tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe, nhà máy phải nâng cấp chất lượng từ Euro 2 lên Euro 5, theo lộ trình Chính phủ. 

Phó Tổng giám đốc BSR Nguyễn Văn Hội

Ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cũng cho biết Đạm Cà Mau đang phải đối diện với nhiều khó khăn khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Thị trường trong nước còn thiếu đồng bộ, tồn tại tình trạng phân bón giả, kém chất lượng…

Mặc dù vậy, đại diện Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau vẫn nhấn mạnh cơ hội phát triển của ngành. Ví dụ, với BSR là thị trường sản phẩm hóa dầu tiềm năng, cấu hình nhà máy Dung Quất mở, có thể đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm hóa dầu. 

Ông Bùi Minh Tiến, Chủ tịch HĐQT PVCFC 

Tại hội thảo, các diễn giả cũng đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc, thách thức, tồn tại cho ngành lọc - hóa dầu Việt Nam. Theo ông Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, phát triển lọc dầu và hóa dầu là đúng với nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ chưa cân đối, cần đẩy mạnh hóa dầu. Theo quan điểm của ông Thoảng, những năm tới, không nên làm bất cứ dự án lọc dầu nào nữa, tập trung vào nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất để dự án này đã hiệu quả càng hiệu quả hơn.

Ông Hồ Sĩ Thoảng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam

Trong khi đó, ông Bỳ Văn Tứ, Hội viên Hội Dầu khí Việt Nam nhìn nhận, hóa dầu đang gặp khó khăn do chúng ta không gắn với các ngành công nghiệp cần nguyên liệu hóa dầu. Theo ông, điều kiện quan trọng nhất là Chính phủ cần tháo gỡ cơ chế giải ngân các dòng tiền sao cho nhanh, đúng luật để doanh nghiệp yên tâm làm việc.

Quang cảnh hội thảo

Còn ông Hoàng Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng có 5 vấn đề lớn cần xử lý của lĩnh vực lọc hóa dầu, đó là: Vấn đề tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt dự án LHLHD Nghi Sơn, đối với Dung Quất đó là lộ trình hội nhập của Việt Nam trong các hiệp định khu vực nên tiêu thụ sản phẩm dự báo sẽ khó khăn; Bảo lãnh để vay vốn triển khai các dự án Nhà nước chiếm phần chi phối; Các thách thức về thuế; Nguyên liệu cho lọc - hóa dầu, đặc biệt là khí cho các nhà máy đạm; Chính sách đặc thù cho PVN và ngành Dầu khí của Chính phủ.

Nhật Linh