[In trang]
Phát triển ngành cơ khí trong bối cảnh CMCN 4.0
Thứ sáu, 05/10/2018 - 12:07
80% doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chưa bắt đầu tiếp cận với CMCN 4.0. 20% còn lại đang ở trong giai đoạn chuẩn bị những bước tiếp cận rất sơ khai.

Sáng nay (5/10/2018), Tổng Hội cơ khí Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức “Hội nghị Khoa học công nghệ toàn quốc về cơ khí  lần thứ 5 - 2018”. Hội nghị thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây là diễn đàn lớn của đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực cơ khí.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam cho biết : “Hội nghị nhằm mục đích công bố các kết quả nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực cơ khí. Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu giao lưu trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Hội nghị còn là cầu nối giữa các doanh nghiệp và các nhà khoa học trao đổi thông tin nhằm góp phần thúc đẩy vai trò của khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cơ khí khí trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.”.

Hội nghị khoa học và công nghệ  về cơ khí được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Trên cơ sở báo cáo khoa học của gần 400 tác giả và đồng tác giả với 212 bài báo khoa học gửi đến hội nghị, Ban khoa học đã lựa chọn ra được 156 công trình đủ tiêu chuẩn báo cáo tại hội nghị và xuất bản Kỷ yếu hội nghị. Sau phiên khai mạc toàn thể, hội nghị chia thành 05 phân ban với các chủ đề khác nhau để thảo luận và trao đổi.

Ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội cơ khí Việt Nam phát biểu khai mạc hội nghị

 

Cơ khí chế tạo là ngành có vị thế quan trọng trong cung ứng các linh kiện, phụ kiện, máy móc, thiết bị và tư liệu sản xuất, đồng thời là ngành tạo động lực phát triển nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, trình độ công nghệ trong ngành còn lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phần lớn các nguyên vật liệu quan trọng vẫn phải nhập khẩu. Theo thống kê của Bộ Công Thương, 80% doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chưa bắt đầu tiếp cận với CMCN 4.0. 20% còn lại đang ở trong giai đoạn chuẩn bị những bước tiếp cận rất sơ khai. 

Ông Phạm Tuấn Anh , Phó cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương cho rằng “Ngành cơ khí Việt Nam cần nhìn nhận đúng đắn về thực trạng phát triển, chúng ta cần biết mình đang ở đâu trong CMCN 4.0 để có sự chuẩn bị hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngành công nghiệp cơ khí có vai trò quan trọng, đều có dấu ấn trong các cuộc cách mạng công nghiệp toàn cầu. Để phát triển toàn diện ngành cơ khí đòi hỏi sự chung tay và quyết tâm cao độ từ các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp”.

Ngài Frank Knafla, đại diện Tập đoàn Phoenix contract (CHLB Đức) chia sẻ chủ đề Sự thay đổi của công nghệ cơ khí trong CMCN 4.0

 

Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đặt ra mục tiêu đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chiến lược đề ra các chính sách thực hiện, tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ đầu tư và kinh doanh; tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ ngành cơ khí nhằm tạo động lực cho phát triển ngành cơ khí Việt Nam.

Tại hội nghị, đại diện Tập đoàn Phoenix contract (CHLB Đức) đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cơ khí trong CMCN 4.0. Theo đó, để theo kịp xu thế, không còn cách nào khác phải đầu tư cho khoa học công nghệ. CMCN 4.0 đòi hỏi ngành công nghiệp cơ khí cần đầu tư nghiên cứu, tiếp cận nhanh công nghệ mới trong các lĩnh vực vật liệu, kỹ thuật số, tự động hóa, trí tuệ nhận tạo. Tập đoàn Phoenix luôn hợp tác với các nhà khoa học, trường đại học và các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia trên thế giới để cùng nhau đưa ra giải pháp công nghệ tốt nhất. Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung đang là đích nhắm của tập đoàn này trong giai đoạn hiện nay.

Mới đây, tập đoàn Phoenix đã đầu tư cho trường Đại học công nghiệp Hà Nội 1 phòng thí nghiệm chuẩn mô hình CMCN 4.0 trị giá 1 triệu USD. Trong tương lai, tập đoàn Phoenix tiếp tục đầu tư xây dựng một nhà máy thông minh và các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn phục vụ công tác giảng dạy và thực hành cho sinh viên trong lĩnh vực cơ khí.

Với 212 công trình nghiên cứu được gửi tới hội nghị, sự tham gia của 400 nhà khoa học cùng đại đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cơ khí, hi vọng ngành cơ khí Việt Nam sẽ có những biến chuyển tích cực, ứng dụng thành công khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần đưa ngành cơ khí Việt Nam hội nhập thế giới.

Hoàng Điệp