[In trang]
Đổi mới công nghệ ngành da giày: Không thể chậm trễ
Thứ sáu, 05/10/2018 - 08:31
Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày Việt Nam sẽ đạt 20 tỷ USD trong năm 2018 nếu các DN biết tận dụng tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, CPTPP; đồng thời đầu tư chiều sâu cho máy móc, công nghệ.

Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày Việt Nam sẽ đạt 20 tỷ USD trong năm 2018 nếu các DN biết tận dụng tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, CPTPP; đồng thời đầu tư chiều sâu cho máy móc, công nghệ. 

Theo Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Việt Nam là quốc gia kinh doanh và sản xuất giày da quan trọng trên thế giới, trở thành đối tác chiến lược với các thương hiệu giày da danh tiếng như: Nike, Adidas, The North Face, Timberland, Columbia… Số lượng xuất khẩu da giày của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chiếm 7,4% khối lượng xuất khẩu toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc. Thống kê của ngành da giày cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 700 nhà sản xuất với khoảng 1,5 triệu công nhân tham gia vào lĩnh vực giày dép; trong đó, hơn 200 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đáng chú ý, nhóm DN FDI chiếm thị phần trên 80%, đóng góp 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng nhanh trong khu vực "một vành đai - một con đường". Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu da giày mới đạt 6,5 tỷ USD nhưng đến năm 2017 đã tăng lên 13 tỷ USD và dự kiến đạt 20 tỷ USD trong năm 2018.

Đầu tư công nghệ sẽ giúp ngành da giày tăng sức cạnh tranh của sản phẩm

Mặc dù được đánh giá là liên tục tăng trưởng nhưng nếu xét riêng khu vực và đối tượng DN, ngành da giày đang có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, về khu vực, trước đây ngành sản xuất da giày của TP. Hồ Chí Minh phát triển rất mạnh nhưng nay đã có sự chậm lại. Nguyên nhân được ông Nguyễn Bình An - Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - chỉ ra rằng, TP. Hồ Chí Minh không còn dư địa để phát triển dệt may, da giày, bởi đây là ngành đòi hỏi sử dụng nhiều lao động. Trong khi, TP. Hồ Chí Minh lại không phải là nơi để cung cấp quá nhiều lao động, vì thế các DN đang chuyển nhà máy sản xuất qua các nơi khác như miền Trung, phía Bắc…

Về phương diện DN, trước giai đoạn 2000 - 2005, tỷ lệ xuất khẩu giữa nội địa DN với DN FDI là 60 - 40% thì nay ngược lại, DN FDI chiếm 70% DN nội là 30%; thậm chí năm 2018 còn có xu hướng tăng lên 80 - 20% bởi DN nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và tận dụng tốt nguồn lao động của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các DN trong nước cũng đang chịu áp lực bất lợi cần khắc phục là hạn chế về năng suất do hệ thống dây chuyền thiết bị, máy móc ngành da giày đang dần trở nên lạc hậu.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu giày dép và túi xách lớn thứ 2 thế giới, doanh thu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan cũng tăng nhanh. Dư địa thị trường còn rất lớn khi các hiệp định thương mại thế hệ mới đang tiếp tục được ký kết. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội, khắc phục điểm yếu về công nghệ, đại diện Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho rằng, DN Việt cần đẩy mạnh việc tham gia chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại và hợp tác với các nước trong khu vực để tìm kiếm máy móc công nghệ mới cũng như tìm nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Bởi, chỉ khi DN có sự thay đổi công nghệ sản xuất, đáp ứng đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu ngành da giày Việt Nam mới có thể bắt kịp được yêu cầu của người tiêu dùng trên thị trường.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo, DN Việt cần nâng cao năng suất lao động, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ; áp dụng phương pháp quản lý, công nghệ mới vào sản xuất nhằm tiết kiệm tối đa chi phí; nghiên cứu, phát triển nguyên phụ liệu trong nước.

Theo Báo Công Thương