[In trang]
Bộ Công Thương định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam
Thứ năm, 04/10/2018 - 15:00
Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá việc thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Bộ Công Thương đã có báo cáo về tình hình thực hiện những nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội đặc biệt là triển khai một số giải pháp thúc đẩy chính sách phát triển công nghiệp ô tô.

Để phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, gắn liền với mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp ô tô,  Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác liên ngành đánh giá việc thực hiện Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Tổ công tác đã làm việc với các doanh nghiệp ngành ô tô Việt Nam, qua đó sẽ xác định rõ kế hoạch phát triển sản xuất của từng doanh nghiệp trong giai đoạn 2018 - 2020; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp và đề xuất giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng:

Điều chỉnh các chính sách về thuế, thị trường, hình thành hệ thống nhà cung cấp linh kiện và phụ tùng; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất ô tô trong nước để cắt giảm chi phí sản xuất; hạ giá thành; cải tiến chất lượng; Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp...

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng:Xây dựng Nghị định về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô: Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, qua đó đảm bảo thị trường ô tô phát triển bền vững, minh bạch, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp.

Tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và các dự án khác. Đây là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.

Bước đầu đã hình thành nên một ngành công nghiệp hỗ trợ, cung cấp một số phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

Đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100 ngàn lao động trực tiếp. Bước đầu tích luỹ được kinh nghiệm trong việc lắp ráp ô tô và sản xuất một số phụ tùng, linh kiện, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển ngành sản xuất - chế tạo ô tô.

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 07 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45% đến 55%). Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ và Quốc hội ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước).

Xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước.

Về dài hạn, có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.

Theo Vietnammoi