[In trang]
Nam Định tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao
Thứ sáu, 21/09/2018 - 15:49
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung triển khai thí điểm xây dựng các cụm liên kết ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao là: dệt may; cơ khí chế tạo; điện tử - cơ điện tử và công nghiệp phần mềm…

Ngày 28/6/2018, UBND tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch số 71/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 25-CTr/TU ngày 29/5/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là phát huy sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực để tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển bền vững, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Ảnh minh họa

Kế hoạch cũng nêu lên những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2020 giá trị sản xuất CN-TTCN (giá so sánh năm 2010) tăng bình quân từ 13-14%/năm; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 47% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; phấn đấu công tác thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 đạt 3 tỷ USD vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) và trên 30 nghìn tỷ đồng từ các nguồn vốn đầu tư trong nước. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Nam Định cơ bản hoàn thành mục tiêu CNH-HĐH, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá về sản xuất công nghiệp trong vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2045 tỉnh ta trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại.  

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, kế hoạch đề ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với định hướng phát triển các vùng kinh tế của tỉnh; tổ chức thực hiện tốt định hướng phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp và các doanh nghiệp công nghiệp; xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp; phát triển công nghiệp gắn với đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội...

Đặc biệt, tỉnh sẽ chú trọng tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao như dệt may; cơ khí chế tạo; điện tử - cơ điện tử và công nghiệp phần mềm; sản xuất thuốc và hóa dược; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Đây đều là những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có tốc độ tăng trưởng 

ổn định. Trong đó, ngành dệt may sản xuất ổn định và đạt mức tăng trưởng cao nhất. Cơ cấu ngành cơ khí ngày càng đa dạng, hình thành nên các “trung tâm” sản xuất cơ khí. Các ngành công nghiệp khác của tỉnh ta cũng có sức cạnh tranh đáng kể là: sản xuất thuốc và hóa dược; công nghiệp chế biến (đặc biệt là công nghiệp chế biến gỗ)... 

Để phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án lớn của các ngành công nghiệp công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ... đối với khu vực Thành phố Nam Định. Đối với các dự án FDI ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ “cao, mới, sạch, tiết kiệm”, sử dụng nhiều nguyên liệu, linh - phụ kiện sản xuất trong nước, trong tỉnh; có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ; ưu tiên các dự án liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong tỉnh. Trên nền tảng phát triển đó, giai đoạn 2030-2045 tỉnh ta ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp: cơ khí, điện tử, vật liệu mới, công nghệ thông tin và viễn thông, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến nông - thủy sản... 

Xem chi tiết kế hoạch TẠI ĐÂY.

Nhật Linh